Nguyên nhân nào khiến các dự án đầu tư công bị đội vốn?

18:49' - 30/05/2018
BNEWS Thời gian qua việc nhiều dự án đầu tư công bị đội vốn, cá biệt có dự án bị đội vốn nhiều lần đã tạo ra những quan ngại về hiệu quả của sử dụng vốn ngân sách tại các địa phương.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đinh Văn Nhã (đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội xung quanh vấn đề thay đổi tổng mức đầu tư tại các dự án và quản lý ngân sách tại địa phương.

Đại biểu Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội đã có những trao đổi thẳng thắn về vấn đề ngân sách. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Ông có thể đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều dự án đầu tư công tại các địa phương bị đội vốn?

Đại biểu Đinh Văn Nhã: Vấn đề đội vốn ngân sách tại các dự án hiện đang xảy ra tại nhiều địa phương. Nguyên nhân có thể xuất phát từ chỗ nhu cầu đầu tư ban đầu thấp, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp. Vì vậy, giai đoạn đầu, các địa phương thường chỉ tính toán quy mô đầu tư dự án ở mức thấp. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, nhu cầu đầu tư lớn dẫn tới nhiều địa phương phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

Thêm vào đó, trong giai đoạn đầu, các địa phương khi thực hiện dự án chỉ thiết kế dự án phục vụ quy mô hẹp, vừa phải để dễ cân đối nguồn vốn. Sau đó mới thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư theo hướng mở rộng hơn dẫn đến dự án bị đội vốn. Đây là chưa kể việc điều chỉnh tổng mức đầu tư liên quan đến yếu tố kỹ thuật.

Nguyên nhân thứ 2 cũng có thể dẫn đến nhiều dự án đầu tư công bị điều chỉnh vốn đầu tư đó là xuất phát từ khó khăn trong cân đối nguồn lực ban đầu nên quá trình thiết kế cho dự án cũng bị bó buộc trong mức đầu tư hạn hẹp. Về sau khi tính toán và khai thác thêm nguồn lực nên các địa phương đã cho phép mở rộng mục tiêu dự án nên cũng dẫn đến tăng tổng mức đầu tư.

Phóng viên: Tuy nhiên, có một số dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư rất nhiều lần, dẫn đến có nhiều ý kiến trái chiều đánh giá về tính minh bạch của dự án, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Đinh Văn Nhã: Theo tôi những dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư thường được tính toán đầu tư theo tính chất phân kỳ. Những dự án này không thể thực hiện trong khoảng 2-3 năm mà có thể phải thực hiện trong 5 năm hoặc dài hơn.

Ví dụ như dự án nạo vét sông Sào Khê ở Ninh Bình bị đội vốn lên nhiều lần đâu chỉ tính thực hiện trong 2-3 năm mà phải tính trong thời gian dài. Vấn đề quan trọng là dự án kết thúc ở giai đoạn nào và những dự án khi kết thúc giai đoạn theo phân kỳ theo đánh giá vẫn phát huy được hiệu quả từng phân kỳ một.

-Phóng viên: Nhiều địa phương thường có tình trạng chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau, vậy vấn đề này có ảnh hưởng như thế nào đến việc quản lý ngân sách tại các địa phương hay không, thưa ông?

-Đại biểu Đinh Văn Nhã: Theo báo cáo Quốc hội, các địa phương thường có chuyện chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau, tôi cho rằng đây là câu chuyện ở nước nào cũng gặp phải chứ không riêng ở Việt Nam. Luật Ngân sách nhà nước 2002 và Luật Ngân sách nhà nước 2015 (sửa đổi) đều cho phép một số khoản được chuyển nguồn. Ví dụ như khoản khoán chi cho các đơn vị sự nghiệp năm trước không chi hết thì chuyển sang năm sau hoặc khoản vượt thu, hoặc khoản dư ngân sách cuối năm, hay vốn đầu tư phát triển theo quy định.

Theo Luật Đầu tư công hiện hành cho phép chuyển nguồn đến hết năm sau. Nhưng thực ra dưới góc độ quản lý ngân sách, nhiều nguồn được chuyển như vậy là không tốt, phản ánh bức tranh ngân sách méo mó, không thật. Tôi cho rằng nếu siết chặt nguồn lực của năm hiện hữu đó, sẽ tạo động lực cho sự phát triển của năm ngân sách hơn thay vì chuyển sang năm sau. Vốn ngân sách mà bị chuyển nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của năm hiện hành.

Sắp tới sửa Luật Đầu tư công sẽ tiến hành siết chặt vốn đầu tư phát triển, không thể để chuyển nguồn đến hết năm sau vì quá dài, nhất là các khoản chi thường xuyên, chi các chương trình mục tiêu quốc gia lâu nay chuyển nhiều vì các bộ, ngành giao vốn cho các địa phương thường giao chậm vào cuối năm.

Thường giao ngân sách vào tháng 11, cuối tháng 12 thì không thể có thời gian để giải ngân nguồn vốn đó được. Cho nến cần phải quy định lại, đó là phải giao ngân sách cho địa phương từ đầu năm nhất là các khoản chi an sinh, khoản chi chương trình mục tiêu quốc gia gắn liền với đời sống nhân dân thì phải giao sớm, không giao về cuối năm.

Tôi cho rằng cần tăng cường việc hậu kiểm thay vì trước khi giao, các cơ quan quản lý tài chính thường mất nhiều thời gian trong việc kiểm tra, thẩm định trước khi giao ngân sách cho các địa phương, đơn vị.

Phóng viên: Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá vẫn chậm, vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cải thiện tình hình này như thế nào, thưa ông?

Đại biểu Đinh Văn Nhã: Hiện nay có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải nhân chậm, trong đó có ý kiến cho rằng do các quy định của Luật Đầu tư công hiện nay. Tuy nhiên tôi cho rằng có những nguyên nhân khác đôi khi còn cản trở, gây chậm hơn so với vướng mắc của Luật Đầu tư công.

Ví dụ như câu chuyện giải phóng mặt bằng, hầu hết các dự án nhóm A đến nhóm C thường có tình trạng tiền giải phóng mặt bằng ban đầu chỉ đáp ứng 40-50% khối lượng thực tế phải dành cho vấn đề này.

Nguyên nhân là do nhiều địa phương tính toán tiền chi tiền cho giải phóng mặt bằng ban đầu rất thấp, sau đó bị tăng lên rất nhiều, tình trạng này thường phổ biến nhất là các địa phương không cân đối được ngân sách. Khi đó, các địa phương này phải mất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục tìm nguồn tiền bổ sung giải phóng mặt bằng của các dự án đang thực hiện.

Thứ hai là chất lượng dự án khi được phê duyệt so với khi được triển khai thực tế có sự thay đổi rất nhiều. Hay nói cách khác là dự án khi được triển khai phải chỉnh sửa rất nhiều so với thiết kế ban đầu cũng là yếu tố dẫn đến các dự án thường bị kéo dài do phải mất thời gian cho việc chỉnh sửa này.

Một lý do khác cũng phải tính toán đó là Việt Nam có sự khác nhau về khí hậu giữa các miền. Khi phân bổ ngân sách nếu không tính toán đến điều kiện khí hậu của từng vùng, miền cũng dẫn tới quá trình giải ngân vốn chậm.

Ví dụ ở một thời điềm đầu năm các địa phương ở miền Bắc có nhiều dự án cần giải ngân vốn nhưng thủ tục vẫn đang nằm trên bàn giấy, nhưng khi hoàn thành xong thủ tục thì miền Bắc lại vào mùa mưa bão khi đó dự án sẽ không thể thực hiện được. Như vậy thời điểm duyệt ngân sách để giải ngân như vậy là không phù hợp. Do đó, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần phải điều hành linh hoạt có tính đến mùa vụ, thời tiết tại các địa phương./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

>>>Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Tạo điều kiện thu hút người tài vào ngành sư phạm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục