Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ sẽ đối mặt với “cơn gió ngược” nào nửa cuối năm?

09:51' - 30/06/2023
BNEWS Nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ khả năng đương đầu trước chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng cao trong nửa đầu năm 2023 bất chấp nhiều trở ngại, từ những bất ổn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đến những nghi ngại về sức khỏe của nền kinh tế.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 14%, phục hồi đáng ngạc nhiên sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2022. Chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite tăng 29,9%, kết thúc một nửa đầu năm tốt nhất trong 40 năm.

 
Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại CFRA cho hay theo những kinh nghiệm trong quá khứ, thị trường chứng khoán thường ghi nhận sự khởi đầu mạnh mẽ trong nửa đầu năm và lùi dần vào nửa cuối năm. Kể từ năm 1945, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 8% trong nửa cuối năm và tăng ít nhất 10% trong sáu tháng đầu năm.

Vậy có thể các nhà đầu tư chứng khoán sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” nào trong nửa cuối năm 2023?

Nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ khả năng đương đầu trước chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cho đến nay, nền kinh tế vẫn tránh được một cuộc suy thoái mà nhiều nhà dự báo đã đưa ra hồi đầu năm 2023.

Mặc dù suy thoái kinh tế hiện được coi là một kịch bản ít có khả năng xảy ra trong năm nay, nhưng những lo ngại về kinh tế vẫn chưa biến mất. Một mô hình xác suất suy thoái do Fed chi nhánh New York tính toán dựa trên đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ vào đầu tháng 6/2023 dự đoán có tới 71% khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới.

Các nhà phân tích tại UBS cho hay triển vọng về một cuộc hạ cánh mềm, ít nhất là trong suy nghĩ của các nhà đầu tư, từ chỗ không thể xảy ra vào đầu năm nay đến nay hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, kịch bản thị trường tích cực này có thể biến mất nhanh chóng nếu lạm phát và dữ liệu việc làm gây thất vọng.

Một số nhà phân tích cũng lo ngại rằng các ước tính về thu nhập của công ty, dự kiến sẽ tăng 1,4% vào năm 2023 đối với các công ty thuộc S&P 500, theo dữ liệu của Refinitiv IBES, sẽ cần phải được điều chỉnh thấp hơn nếu suy thoái xảy ra.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm 50% kể từ khi chạm mức cao nhất trong 40 năm vào mùa Hè năm 2022, nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% mà Fed mong muốn trước khi bắt đầu rút lại chính sách thắt chặt tiền tệ. Fed đã tạm dừng tăng lãi suất trong tháng này, nhưng dự kiến sẽ tăng lãi suất trở lại vào tháng 7/2023.

Một số nhà đầu tư coi lạm phát vừa phải kết hợp với tăng trưởng bền vững là “điểm mốc vàng” có lợi cho giá tài sản.

Một số tên tuổi siêu vốn hóa như Apple Inc và Nvidia Corp đang thúc đẩy đà tăng của S&P 500, tạo ra lo ngại rằng mức tăng có thể không bền vững trừ khi có thêm nhiều cổ phiếu nữa cùng tham gia. Mặc dù S&P 500 đã tăng 14% trong năm nay, chỉ số tương đương đại diện cho cổ phiếu của các công ty trung bình chỉ tăng 4,2%.

Bên cạnh đó, sự hào hứng đối với những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp đẩy giá cổ phiếu cũng như các ước tính về thu nhập lên cao hơn. Các nhà đầu tư sẽ xem kết quả kinh doanh của quý II/2023 trong những tuần tới để biết rõ hơn về thời gian các công ty kỳ vọng đạt lợi nhuận sẽ thành hiện thực.

Cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng do sự sụp đổ của Silicon Valley Bank hồi tháng 3/2023 đã không gây ra những trở ngại mang tính hệ thống như nhiều người lo sợ, song các nhà đầu tư vẫn đề phòng việc các lỗ hổng hệ thống tài chính khác đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất của Fed trong nhiều thập niên. Lĩnh vực bất động sản thương mại cũng đang đối mặt với nỗi lo tình trạng văn phòng trống kéo dài do đại dịch.

Lãi suất tăng đã đẩy lợi suất của tài sản thu nhập cố định và tiền mặt lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, điều này mang lại cho các nhà đầu tư một lựa chọn thay thế cho cổ phiếu. Mặc dù điều đó dường như không ảnh hưởng đến lợi nhuận của cổ phiếu cho đến nay, nhưng nó có thể làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu trong tương lai nếu lãi suất tiếp tục tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục