Nhà đầu tư nước ngoài tích lũy ròng lượng trái phiếu lớn ở châu Á

08:28' - 22/03/2024
BNEWS Nhu cầu trái phiếu Ấn Độ tăng vọt với khoản đầu tư ròng 2,7 tỷ USD, con số hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7/2017. 
Trái phiếu châu Á đã thu hút dòng tiền đô vào lớn nhất trong ba tháng vào tháng 2/2024, nhờ kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay và cũng được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của khu vực.

Dữ liệu từ các cơ quan quản lý và hiệp hội thị trường trái phiếu cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã tích lũy ròng lượng trái phiếu có tổng trị giá 4,41 tỷ USD ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan vào tháng trước, đánh dấu tháng mua ròng thứ tư liên tiếp.

Nhu cầu trái phiếu Ấn Độ tăng vọt với khoản đầu tư ròng 2,7 tỷ USD, con số hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7/2017. Diễn biến này chủ yếu nhờ việc Ấn Độ sắp được đưa vào chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi của ngân hàng JP Morgan.

 
Bà Radhika Rao, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng DBS Bank, cho biết trái phiếu chính phủ bằng đồng rupee sẽ có thể tăng thêm nhờ dòng vốn nước ngoài mạnh mẽ, phần lớn để đón đầu việc nước này sắp được đưa vào nhóm chỉ số trái phiếu của JP Morgan từ tháng 6/2024.

Cũng trong tháng 2/2024, trái phiếu Hàn Quốc đã thu hút được 2,59 tỷ USD - dòng vốn chảy vào lớn nhất trong chín tháng – nhờ mức tăng đột biến trong xuất khẩu, đặc biệt là ngành bán dẫn và được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Trái phiếu Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng ghi nhận dòng vốn nước ngoài chảy vào lần lượt đạt khoảng 532 triệu USD, 249 triệu USD và 100 triệu USD trong tháng trước.

Tại cuộc họp tuần này, các thành viên của Fed khó có thể đưa ra quyết định cắt giảm chi phí đi vay. Song họ có thể tiết lộ những dự báo kinh tế mới, phát tín hiệu về cách tiếp cận từ tốn hơn đối với việc cắt giảm lãi suất và bắt đầu nới lỏng chính sách muộn hơn so với dự báo trước đó.

Ông Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á tại ngân hàng ANZ, cho biết ông kỳ vọng triển vọng nới lỏng chính sách của Fed, triển vọng xuất khẩu được cải thiện của châu Á và tình hình tăng trưởng-lạm phát thuận lợi sẽ thu hút dòng vốn vào khu vực này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục