Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước sắp vận hành trở lại

13:16' - 12/04/2018
BNEWS Đầu tháng 5/2018 tới đây, Nhà máy Nhiên liệu Bình Phước sẽ hoàn thành bảo dưỡng, sửa chữa để sẵn sàng đi vào vận hành trở lại.

Đây là thông tin được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phát đi vào hôm nay 12/4.

Một góc Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước. Ảnh: PVN

Theo PVN, Tập đoàn vừa đi thị sát tình hình thực tế tại Dự án Nhà máy Nhiên liệu Bình Phước và có buổi làm việc với các nhà thầu, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) và các cổ đông của OBF (PVOIL, Toyo, Licogi 16).

Theo PVN, việc triển khai phương án vận hành lại nhà máy giai đoạn 1, bao gồm bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy, gói thầu do liên danh Nhà thầu Licogi16 và Vietsovpetro thực hiện. Hiện khối lượng công việc đã thực hiện được khoảng 20%.

Với vai trò nhà thầu gói bảo dưỡng sửa chữa nhà máy, Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa khẳng định, Vietsovpetro cam kết vượt tiến độ, dự kiến hoàn thành gói thầu trước tháng 5/2018 và sẽ tiếp tục đồng hành cùng OBF/PVOIL trong giai đoạn khởi động, vận hành lại nhà máy.

Công việc tiếp theo, OBF sẽ đầu tư bổ sung một số thiết bị để đảm bảo vận hành ổn định nhà máy, gồm: hệ thống sấy bã, hệ thống mương tách cát, hệ thống tuần hoàn nước thải và trạm quan trắc nước thải tự động.

OBF cũng đã tuyển dụng đủ cán bộ kỹ thuật chủ chốt và lao động cần thiết; đồng thời đang triển khai ký hợp đồng mua nguyên liệu, nhiên liệu, hoá chất, điện, nước cũng như các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Lãnh đạo PVN kiểm tra tình hình Nhà máy Nhiên liệu Bình Phước. Ảnh: PVN

Tại buổi làm việc giữa các bên, Phó Tổng giám đốc PVOIL Nguyễn Tuấn Tú cho biết, các thành viên góp vốn của OBF đã phê duyệt phương án khởi động lại nhà máy giai đoạn 1 trong năm 2018 để tranh thủ cơ hội nhu cầu về xăng sinh học.

Giai đoạn 2 từ năm 2019 trở đi, OBF sẽ đầu tư thêm 1 số hạng mục như hệ thống thu hồi CO2, hệ thống turbine phát điện, xưởng sản xuất phân vi sinh để tối ưu hoá lợi nhuận với mục tiêu bù được toàn bộ chi phí và có lãi.

Cam kết tiếp tục hỗ trợ PVOIL, OBF để sớm đưa nhà máy vận hành trở lại, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu PVOIL và OBF có chiến lược bài bản, tính toán nghiêm túc nguyên liệu đầu vào.

Theo đó, các bên cần lập chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu ở cả vùng Tây Nguyên và Campuchia để đảm bảo hoạt động hiệu quả bởi giá nguyên liệu đầu vào của các dự án ethanol chiếm tới 70% giá thành sản phẩm.

Theo PVN, Việt Nam mới chỉ có thị trường E5, trong khi các nước xung quanh đã sử dụng E10, nhiều nước phát triển sử dụng E20.

Vì vậy, với tiềm năng phát triển của thị trường trong tương lai, việc sớm hoàn thành bảo dưỡng và vận hành trở lại trên cơ sở đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào hợp lý sẽ giúp Dự án thoát khỏi tình trạng thua lỗ, tiến tới bù được toàn bộ chi phí và có lãi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục