Nhà vườn Lâm Đồng thấp thỏm lo vụ hoa Tết

18:08' - 01/02/2021
BNEWS Nhiều nhà vườn đã chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, trong khi số khác đang thấp thỏm âu lo nghe ngóng tình hình.

Dịch COVID-19 trở lại đúng thời điểm người dân các vùng trồng hoa trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng bước vào cao điểm thu hoạch cho vụ hoa Tết Nguyên đán 2021. Nhiều nhà vườn đã chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, trong khi số khác đang thấp thỏm âu lo nghe ngóng tình hình.
Làng hoa layơn bất an
Theo thông lệ, bắt đầu từ 20 tháng Chạp trở đi là cao điểm thu hoạch hoa layơn tại xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) để chuyển đi Hà Nội và các tỉnh miền Trung phục vụ cho thị trường Tết.

Thế nhưng khác hẳn mọi năm, năm nay làng hoa layơn lớn nhất tỉnh Lâm Đồng lại im ắng lạ thường, không còn cảnh xe đông lạnh nối đuôi nhau chờ ở các vựa đóng hoa dọc hai bên quốc lộ 20 mà chỉ còn vài xe tải nhỏ đến chở hàng.
Trong khi đó, không khí tại các vựa đóng hoa cũng kém rộn ràng hơn hẳn. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, chủ vựa hoa ở thôn Định An, xã Hiệp An (Đức Trọng) cho hay, thời điểm trước khi dịch bùng phát, mỗi ngày vựa hoa của bà đóng khoảng 100.000 cành layơn cho các đầu mối nhưng hiện nay dù vào cao điểm nhưng chỉ đóng khoảng 50.000 cành/ngày. Năm nay sức tiêu thụ kém nên cũng không còn thương lái ở xa tìm đến đặt mua hoa như những năm trước.
Không chỉ giảm mạnh về sức tiêu thụ, từ thời điểm có thông tin dịch COVID-19 trở lại ở một số tỉnh miền Bắc, giá hoa layơn cũng tuột dốc không phanh. Trước đó, đầu vụ thu hoạch hoa Tết (dịp Rằm tháng Chạp âm lịch), hoa layơn loại 1 đã đạt mức 3.500 – 4.000 đồng/cành.

Tuy nhiên, ngày xuất hiện ca bệnh đầu tiên của đợt dịch này đã “đóng băng” thị trường, khiến hoa rớt giá mạnh chỉ còn vài trăm đồng mỗi cành và hiện nay tăng lên mức 1.500 - 2.000 đồng/cành.

Ông Đoàn Xuân Thành, chủ vườn lay ơn 2.000 m2 ở xã Hiệp An (Đức Trọng) cho biết, với mức giá này người trồng hoa có nguy cơ thua lỗ nếu phải đi thuê đất và mua củ giống để gieo trồng. Hiện nay, người dân chỉ hy vọng vào thị trường Tp. Hồ Chí Minh và miền Nam, bởi đến ngày 26 tháng Chạp trở đi mới bắt đầu thu hoạch hoa cung cấp cho các tỉnh, thành này.
Theo thống kê, để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay, người dân làng hoa lay-ơn Hiệp An xuống giống khoảng 270 ha hoa layơn các loại. Ngoài diện tích gieo trồng ở địa phương, các nhà vườn còn thuê đất trồng hoa ở các khu vực lân cận với tổng diện tích hàng trăm ha để phục vụ cho mùa hoa Tết.

Theo tính toán, mỗi 1.000 m2 hoa lay-ơn, chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng, năng suất ước đạt 15.000 – 16.000 cành/sào (1.000m2).
Để hoa Đà Lạt về xuôi
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, ước tính diện tích hoa gieo trồng phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán 2021 trên địa bàn tỉnh vào khoảng 3.500 ha hoa các loại, sản lượng hơn 1,5 triệu cành. Diện tích này chủ yếu tập trung ở thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và một phần của huyện Lâm Hà.
Riêng địa bàn thành phố Đà Lạt có 1.530 ha hoa phục vụ thị trường Tết; trong đó hoa cúc các loại đạt 680 ha, hoa lily 15,6 ha, hoa layơn 63 ha, cẩm chướng 177 ha, hoa hồng 207 ha, hoa đồng tiền 58,5 ha, hồng môn 5,5 ha, địa lan 47 ha, phong lan 14 ha và một số loại hoa khác.
Diện tích trồng tập trung chủ yếu ở các làng hoa truyền thống trên địa bàn thành phố như làng hoa Thái Phiên (Phường 12), làng hoa Vạn Thành (Phường 5), làng hoa Hà Đông (Phường 8) và làng hoa Xuân Thành (xã Xuân Thọ). Dù chưa bước vào cao điểm thu hoạch hoa cung cấp cho thị trường Tết nhưng thông tin về các vùng có dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ hoa của người dân.
Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, ở một số địa phương như Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội… đã có nhiều đơn hàng bị hủy hoặc giảm số lượng đặt hàng so với ban đầu, chủ yếu đối với các loại hoa bán sớm như địa lan, lan hồ điệp và hoa chậu.

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho biết, hiện hiệp hội đã làm công văn gửi cho các tỉnh, thành như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để tạo điều kiện cho xe chở hoa từ Đà Lạt đến các chợ đầu mối được thuận lợi, nhất là từ thời điểm 25 tháng Chạp trở đi.

Đặc biệt, hiệp hội cũng thống kê và giới thiệu các nhà xe uy tín tại địa phương chuyên vận chuyển hoa đến tận các tỉnh, thành trên cả nước để người dân chủ động gửi hàng, tránh tập kết về một nơi, sau đó mới vận chuyển đi tiếp để không xảy ra tình trạng “dội chợ” như một số năm trước.
“Năm nay hoa Đà Lạt có chất lượng cao hơn, chúng tôi cũng tuyên truyền, kêu gọi người tiêu dùng mua hoa sớm hơn và hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được khống chế để thị trường hoa nhộn nhịp trở lại giúp người dân đón Xuân tươi vui hơn” – ông Sang bày tỏ./.

>>>Tiền Giang sẽ cung ứng hơn 1 triệu giỏ hoa cho thị trường Tết


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục