Nhận diện "điểm yếu" của cây công nghiệp Việt Nam

06:46' - 18/01/2016
BNEWS Cà phê, hạt điều, cao su, hồ tiêu, và sắn của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tương đối cao vẫn bộc lộ yếu điểm trước sự mở cửa của hội nhập.
Xuất khẩu sản phẩm cây công nghiệp có dấu hiệu giảm sút. Ảnh: TTXVN.

Mặc dù Việt Nam hiện có 5 sản phẩm chính có khả năng cạnh tranh tương đối cao là cà phê, hạt điều, cao su, hồ tiêu, và sắn đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mỗi loại, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, các sản phẩm này vẫn bộc lộ yếu điểm trước sự mở cửa của hội nhập.

Để phát huy có hiệu quả các sản phẩm cần phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết làm cơ sở nhằm thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Hiện sản phẩm các cây công nghiệp chính trên phục vụ cho thị trường nội địa chỉ khoảng từ 5 – 10% sản lượng, còn lại là xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu 5 loại cây trên đạt hơn 9 tỷ USD năm 2015, chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu nông – lâm – thủy sản và tương đương với khoảng 5,5% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.

So với năm 2014, xuất khẩu sản phẩm cây công nghiệp giảm và dấu hiệu giảm sút đó liệu có phải do biến động thị trường hay khả năng sản xuất đạt tới giới hạn là câu hỏi luôn được đặt ra.

Thị trường xuất khẩu chính các sản phẩm trên đều là các nước Việt Nam đã và sẽ có Hiệp định thương mại tự do trực tiếp hay gián tiếp (qua khối ASEAN) như Hoa Kỳ, Nhật  Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, các nước ASEAN.

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới đối với cà phê, hạt điều    hồ  tiêu... Có thể nói đây là thị trường tiềm năng nhất mà sản phẩm cây công nghiệp của Việt Nam có thể phát triển thêm.

Nhật Bản không phải là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới nhưng luôn nằm trong nhóm 10 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất đối với cả 5 nhóm sản phẩm này.

Bên cạnh đó, 28 nước thuộc khu vực EU cũng là thị trường tiêu thụ lớn cho các sản phẩm cây công nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam (SCAP) đánh giá, ngành hàng cây công nghiệp mà tiêu biểu là cà phê, hạt điều, cao su, hồ tiêu và sắn đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất – xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Cơ hội hội nhập rất lớn nhưng những mặt hàng cây công nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn. Ảnh: TTXVN.

Cơ hội chiếm lĩnh thị trường thế giới rất lớn nhưng những mặt hàng cây công nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại khá nhiều bất ổn. Theo đó, biến động thị trường là yếu tố chính làm tốc độ tăng trưởng của cao su âm; các ngành khác như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, khả năng mở rộng diện tích không còn mà chỉ có thể chuyển đổi trong nội bộ các nhóm cây công nghiệp như chặt cao su trồng tiêu…

Hiện cà phê đã vượt quy hoạch 145.000 ha, tương đương khoảng 29%; cao su vượt quy hoạch trên 180.000 ha, tương đương khoảng 22,5%; hồ tiêu vượt 48.000 ha, gần 2 lần.

Tuy chưa có chính sách riêng cho cây sắn nhưng theo đề án phát triển của ngành trồng trọt, loại cây này cũng đã vượt trên 110.000 ha, tương đương 26%. Diện tích điều mới đạt 73% quy hoạch.

Việt Nam có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp đối với cây cà phê và đến nay cũng đã có vị  thế là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới, đứng đầu về sản lượng cà phê robusta.

Tuy nhiên, chất lượng cà phê không cao nên giá thấp hơn so với cà phê cùng loại của các nước khác. Cà phê Việt Nam cũng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế; công nghệ thu hái, chế biến lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, cộng với chuỗi cung ứng qua nhiều trung gian, gây ra nhiều vấn đề tiêu cực về chất lượng.

Bên cạnh đó, những thông tin và các kênh tiếp cận thị trường vẫn còn rất yếu và thiếu. Gần như chưa bao giờ một mặt hàng nông sản lại bị tình cảnh “mất mùa, mất giá”, giá không phụ thuộc cung – cầu còn trong nước, nông dân "găm" hàng chờ giá.

Trên các sàn giao dịch, doanh nghiệp cũng găm hàng không “phích” giá. Với cách ứng phó thị trường như vậy đã đẩy cà phê Việt Nam có thời điểm gần như “một mình một chợ” nhưng giá không tăng mà còn giảm.

Hồ tiêu đang trở thành cây trồng “nóng” trước nhu cầu của thị trường tăng mạnh. Ảnh: TTXVN.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường phải hiểu rất rõ đó là “cuộc chơi” toàn cầu và nếu không hiểu kể cả khi cà phê mất mùa thì giá cà phê vẫn cứ xuống.

Những bất cập trên không chỉ thể hiện riêng trên mặt hàng cà phê. Chẳng hạn như đối với điều, tuy đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhưng vẫn còn thiếu chủ động về nguồn nguyên liệu, do điều thô trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu chế biến.

Hay hồ tiêu đang trở thành cây trồng “nóng” trước nhu cầu của thị trường tăng mạnh. Không chỉ lo phát triển nóng, bùng phát về diện tích, ngành sản xuất hồ tiêu đang đứng trước nhiều bất cập như bệnh hại tương đối phổ biến. Nếu không có giải pháp quản lý tích cực thì việc sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu vẫn tiếp tục không bền vững.

Không chỉ vậy, trong sản xuất ngành hàng cây công nghiệp, vai trò các tổ chức nông dân vẫn rất hạn chế, có rất ít tổ hợp tác hay hợp tác xã. Liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu rất hạn chế.

Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đối với một số cây công nghiệp như cà phê và hồ tiêu, số hộ sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ chỉ từ 0,6 - 4%.

Theo PGS.TS Chu Tiến Quang, Hội đồng Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hình thức liên kết theo kiểu “mua đứt - bán đoạn” và qua nhiều cấp trung gian gây thiệt hại cho cả nông dân, doanh nghiệp, “có thể” gây ra những tiêu cực về chất lượng sản phẩm và tổn hại đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Nhưng điều này vẫn chưa được xử lý rốt ráo và đang đặt ra thách thức lớn khi tổ chức lại sản xuất theo các chuỗi giá trị. 

Ông Nguyễn Văn Giáp cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tốt để đổi mới ngành nông nghiệp nếu giải quyết hai vấn đề chính hiện nay. Thứ nhất, tổ chức lại sản xuất nhằm hướng đến việc đáp ứng các yêu cầu thị trường về sản phẩm an toàn, có khả năng truy xuất được nguồn gốc và có trách nhiệm xã hội.

Giảm sản xuất thâm canh, sử dụng hiệu quả mức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây ra các tác động đến môi trường và lãng phí tài nguyên.

Thứ hai là kiểm soát việc phát triển quá nhanh về diện tích một cách thiếu bền vững, gây ra các thiệt hại xã hội và môi trường như hiện tượng “trồng – chặt” hay trồng hồ tiêu ồ ạt như hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục