Nhận diện động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

16:41' - 15/11/2017
BNEWS Những cải cách thị trường chứng khoán và việc tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước gần đây sẽ là động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ngày 15/11, Tạp chí Tài chính hàng đầu Nhật Bản Nikkei (Nikkei Asean Review) tổ chức Diễn đàn Tổng quan châu Á tại Hà Nội, với trọng tâm là trao đổi và cập nhật tình hình phát triển của Việt Nam. Đây là sự kiện lần đầu tiên của Nikkei diễn ra ngoài lãnh thổ Nhật Bản và cũng là lần đầu diễn ra ở Việt Nam.

Theo Nikkei Asean Review, Việt Nam hiện nay là một trong những nước đang phát triển năng động và nhanh nhất ở châu Á. Những cải cách thị trường chứng khoán và việc tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước gần đây sẽ là động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và là động lực thúc đẩy đầu tư, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tại diễn đàn, các đại biểu của Việt Nam và Nhật Bản cùng các doanh nghiệp đã chia sẻ quan điểm về các chiến lược cụ thể để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Diễn đàn Tổng quan châu Á của Nikkei tại Việt Nam do Tập đoàn Nikkei tổ chức là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nắm bắt được các thông tin tổng quan về tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam, từ đó định hình được chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.

Ông Shosuke Mori, Phó Giám đốc điều hành cấp cao bộ phận Ngân hàng Quốc tế của Sumitomo cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đều trong 20 năm vừa qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng hơn 5% trong 5 quốc gia ASEAN. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người năm 2016 khoảng 2.200 USD. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ là 3.350 USD vào năm 2017 và sau các năm đó sẽ vượt ngưỡng 3.500 USD/đầu người.

Theo ông Shosuke Mori, Việt Nam có những lợi thế như: dân số đông; môi trường kinh doanh cởi mở và thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài; sự tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản; môi trường kinh tế, chính trị ổn định.... Những yếu tố này rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng.

Tuy nhiên, theo ông Shosuke Mori, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, như cải cách doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước là trọng tâm dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam. Năm 2016 - 2017, sự đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 32% trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, tức là tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước đóng góp vào GDP là 32%. Mặc dù vậy, tăng trưởng của khu vực này lại rất thấp chỉ đạt 3,8%.

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ như năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chuẩn mực, quy định, nghị định về quản trị doanh nghiệp và công bố thông tin dành cho doanh nghiệp nhà nước.

Thách thức thứ 2 của nền kinh tế Việt Nam đó là cần phải phát triển và nâng cấp ngành công nghiệp trong nước và tạo ra giá trị ngày càng cao hơn.

Ông Shosuke Mori cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng nhưng xuất khẩu của ngành công nghiệp vẫn không tăng.

Bên cạnh đó, tỷ trọng mua hàng trong nước cũng rất thấp so với các nước trong khu vực châu Á, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô đến các quốc gia khác và sức mua trong nước của Việt Nam còn yếu.

Ông Shosuke Mori cho rằng, sự cạnh tranh của ngành sản xuất không chỉ là chi phí lao động mà còn phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như sự sẵn có của nguyên liệu đầu vào hay các chính sách về mua hàng trong nước…

Theo ông Shosuke Mori, để tăng sức mua trong nước, Việt Nam cần phải tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

"Cải cách thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch đang là thách thức của Việt Nam. Nếu Việt Nam đồng bộ hóa các thủ tục hành chính thì sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang tích cực nỗ lực cải cách thủ tục hành chính", ông Shosuke Mori nói.

Ông Shosuke Mori cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành du lịch của Việt Nam. "Việt Nam là điểm đến đối với nhiều du khách nước ngoài và sự phát triển của nền kinh tế phi tiền mặt cũng đã tạo ra động lực cho quốc gia châu Á như Việt Nam", ông Shosuke Mori nêu quan điểm.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và trẻ, đây là nền tảng để các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam hợp tác cùng phát triển.

Chính phủ Việt Nam đã có những cải cách quan trọng; trong đó đặc biệt chú trọng đến những chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều công ty, tập đoàn lớn của nhà nước đã và sắp thoái vốn như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk),Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex),... là những điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Hưng, mặt bằng kinh doanh của Việt Nam và mặt bằng kinh doanh của các nước đã rất gần nhau.

“Hiện nay nhà nước đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự chủ huy động nguồn lực. Đây sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư, thị trường chứng khoán phát triển bởi khi khối doanh nghiệp tự chủ huy động nguồn lực thì không còn con đường nào khác là huy động qua các thị trường này”, ông Hưng nói

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, sau 17 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam được biết đến là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.

Quy mô thị trường cổ phiếu đến thời điểm hiện tại là hơn 63% GDP. Đã có 700 doanh nghiệp niêm yết, 640 doanh nghiệp đăng ký giao dịch; trong đó có 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Trong hơn 1,8 triệu tài khoản giao dịch đã được mở có khoảng 23 nghìn tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.

“Từ góc độ của cơ quan quản lý, chúng tôi rất vui mừng nhận thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự trở thành một kệnh huy động vốn trung và dài hạn, có cơ cấu ngày càng vững chắc và hoàn thiện”, ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đã đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính- tiền tệ của Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc hơn so với trước đây.

Ông Sơn cho rằng, vẫn có đủ cơ sở lạc quan về sự tiếp tục phát triển bền vững của thị trường vốn- thị trường chứng khoán trong thời gian tới nhờ một số yếu tố. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% trong năm nay và được dự báo duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo; chủ trương và kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới của Chính phủ sẽ cung cấp một lượng hàng hóa chất lượng cho thị trường; một số sản phẩm mới sắp tới được đưa vào giao dịch sẽ tăng tính hấp dẫn, tăng cơ hội đầu tư; khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn- thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục