Nhận định chứng khoán từ 4 - 7/5: Thị trường có thể biến động giằng co trong ngắn hạn

11:18' - 02/05/2021
BNEWS Nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh và thậm chí đã xác lập đáy ngắn hạn, do đó rủi ro đã giảm bớt bởi thông tin trước đó đã được chiết khâu sớm vào thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có những biến động rất mạnh trong tuần qua, nhưng chỉ số VN- Index vẫn đi lên cùng với thanh khoản gia tăng. Độ rộng thị trường bị thu hẹp, với chỉ ít mã cổ phiếu Bluechip (cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và mang tính dẫn dắt thị trường) có mức tăng mạnh, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều bị chốt lời, giảm giá.

Diễn biến này khiến giới phân tích từ các công ty chứng khoán đưa ra những nhận định khác biệt về xu hướng thị trường trong tuần tới.

*Theo dấu dòng tiền lớn

Ở góc nhìn tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt nhận định, chuỗi ngày tăng điểm vẫn chưa chấm dứt và hầu hết các cổ phiếu tăng giá đều nằm trong nhóm vốn hóa lớn cho thấy, dòng tiền đang tập trung mạnh vào đây để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Xu hướng này vẫn tỏ ra mạnh mẽ và chưa thấy điểm dừng lại. “Do đó, các nhà đầu tư hãy "nương theo dấu chân" dòng tiền lớn để cùng nhau tìm kiếm cơ hội tốt trên thị trường”, VDSC khuyến nghị.

Có quan điểm tương đồng, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS nêu quan điểm, thị trường chốt phiên cuối cùng của tháng 4 tích cực với phiên tăng thứ 3 liên tiếp sau khi đã kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm. Thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh và thậm chí đã xác lập đáy ngắn hạn, do đó rủi ro đã giảm bớt bởi thông tin trước đó đã được chiết khâu sớm vào thị trường.

Do vậy, hiệu ứng "bán trong tháng 5" năm nay khả năng sẽ ít xảy ra khi đa phần các nhóm cổ phiếu lớn trong VN30 ra báo cáo tài chính quý I tích cực và dòng tiền sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho rằng, chỉ số đang hướng tới mốc 1.240 điểm, đi kèm với đà tăng là sự tích cực của lực cầu trên thị trường, áp lực bán có phần suy yếu.

Tuy nhiên, khả năng cao thị trường đi ngang trong các phiên tới. Thanh khoản mặc dù được cải thiện so với phiên trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy, nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng.  Điều này có thể khiến thị trường đi vào giai đoạn biến động giằng co trong vùng từ 1.200 - 1.268 điểm trong ngắn hạn.

BOS khuyến nghị, nhà đầu tư quan sát phản ứng của thị trường tại vùng 1.240 điểm, cần lưu ý đến rủi ro ở nhịp hồi phục này và cân nhắc nắm giữ vị thế hơn là đưa ra các quyết định giải ngân mới.

Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định tiêu cực về diễn biến thị trường trong tuần tới khi cho rằng xu hướng giảm có thể chiếm ưu thế.

SHS cho biết, thị trường có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp với mức tăng nhẹ và thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đối với thị trường trong giai đoạn này.

Trong tuần qua, VN - Index giằng co và rung lắc mạnh quanh ngưỡng 1.250 điểm. Nhưng cuối cùng, VN-Index đã thất bại trước ngưỡng 1.250 điểm trong phiên cuối tuần, sau khi đã hai lần kết phiên trên ngưỡng này trong hai phiên đầu tuần.

Một điểm đáng lưu ý nữa là độ rộng thị trường, ngoại trừ một số bluechip trong nhóm ngân hàng, công nghệ thông tin và bán lẻ nâng đỡ chỉ số thì hàng loạt các nhóm ngành khác đều bị chốt lời và giảm trong tuần qua.

Trên góc độ sóng Elliott (công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu), VN - Index có khả năng đã kết thúc sóng tăng 5 để chuyển sang sóng điều chỉnh với mục tiêu gần nhất là quanh ngưỡng 1.140 điểm.

Theo nguyên tắc sóng Elliott, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.

Về diễn biến thị trường, tuần qua là tuần thứ tư chỉ số VN - Index tăng liên tiếp với thanh khoản tiếp tục ở mức cao. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 26 - 29/4, VN - Index tăng 9,82 điểm lên 1.248,53 điểm, trong khi HNX - Index giảm 9,48 điểm xuống 283,63 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó do chỉ có 4 phiên giao dịch, nhưng trung bình phiên tiếp tục ở mức cao với khoảng gần 23.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.

Thị trường tăng nhẹ trong tuần qua khi chỉ một vài nhóm ngành có mức tăng mạnh, trong khi đa số các ngành khác đều chịu áp lực chốt lời và giảm.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 3,1% giá trị vốn hóa, chủ yếu do mức tăng của các trụ cột như FPT tăng 4,1%, CMG tăng 0,3%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 2,7% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ mức tăng của trụ cột MWG tăng 10,1%.

Nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng tăng 2,5% giá trị vốn hóa, với các mã như VCB tăng 8%, SHB tăng 4,7%, VPB tăng 4,2%, ACB tăng 0,9%, MBB tăng 0,3%, TCB tăng 0,1%...

Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí giảm mạnh nhất với 4,5% giá trị vốn hóa với các mã như BSR (-7,8%), OIL (-7,1%), PVD (-6,2%), PVS (-9,4%), PVB (-8,6%)...

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua có diễn biến khá tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới với những biến động mạnh.

*Chứng khoán Mỹ biến động mạnh

Sắc đỏ đã quay trở lại thị trường vào phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua, kết thúc một tuần đầy biến động của Phố Wall với hai trên ba cổ phiếu ghi nhận đà giảm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/4, chỉ số công nghệ Dow Jones giảm 0,5%, xuống 33.874,85 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,7%, xuống 4.181,17 điểm.

Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,9%, xuống 13.962,68 điểm. Cả Dow Jones và Nasdaq đều ghi nhận mức giảm trong cả tuần qua, song S&P 500 vẫn giữ được xu thế tăng chung cho cả tuần.

Tuy vậy, tính chung cả tháng 4/2021, chỉ số Dow Jones vẫn tăng 2,7%, Nasdaq Composite tiến 5,4%, còn S&P 500 cộng thêm 5,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.

Chuyên gia phân tích Shawn Cruz của TD Ameritrade cho biết, phiên giao dịch mờ nhạt cuối tuần này cho thấy giới đầu tư vẫn thận trọng đánh giá các thông tin tích cực gần đây, đồng thời cảnh rằng chi phí chuỗi cung ứng cao hơn là "một rủi ro thực sự lớn" đối với triển vọng kinh tế toàn cầu trong phần còn lại của năm nay.

Cũng trong ngày 30/4, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho hay, thu nhập cá nhân của nước này tăng 2,1% trong tháng 3/2021 và chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ cũng tăng 4,2% trong cùng kỳ, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong chín tháng, thúc đẩy chủ yếu bởi gói kích thích kinh tế mới trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục