Nhận định chứng khoán tuần từ 5- 9/2: Có thể chưa thoát khỏi xu hướng tích lũy

10:57' - 05/02/2018
BNEWS Áp lực chốt lời gia tăng trong các phiên giao dịch tuần qua (từ 29/1- 2/2) đã khiến các chỉ số “lình xình”, giằng co.
Nhận định chứng khoán tuần từ 5- 9/2: Có thể chưa thoát khỏi xu hướng tích lũy. Ảnh minh hoạ: BNEWS
Các cố phiếu vốn hóa lớn được kéo lên mức giá rất cao rồi lại bị áp lực xả hàng rất mạnh.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 10,6 điểm xuống 1.105,04 điểm; HNX-Index giảm 2,86 điểm xuống 123,97 điểm.

Dòng tiền trên thị trường có dấu hiệu yếu và bị rút ra trong hai phiên cuối tuần. Cụ thể trong phiên giao dịch cuối tuần, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE chỉ đạt 5.000 tỷ so với trung bình 8.000 tỷ/phiên trong tháng 1.

Bên cạnh đó, áp lực bán trong phiên cuối tuần cũng giảm đi so với các phiên trước, thị trường phục hồi trong sự thận trọng của nhả đầu tư.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Vn- Index tăng điểm nhẹ trong phiên cuối tuần với thanh khoản thấp cho thấy chưa có đủ điều kiện để thị trường có thể thoát ra khỏi xu hướng tích lũy hiện tại.

Bên cạnh đó, báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gần như đã được công bố hết và thị trường chưa xuất hiện thêm những thông tin hỗ trợ mới. Vì vậy tuần giao dịch tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải đối diện với khoảng trống thông tin.

Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán thế giới, chứng khoán Phố Wall đã trải qua một tuần “tồi tệ”, khi chứng kiến mức giảm hàng tuần mạnh nhất trong hai năm. Thống kê cho thấy chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 hứng chịu tuần giao dịch gây thất vọng nhất kể từ đầu tháng 1/2016, còn chỉ số Nasdaq chứng kiến tuần giảm điểm chưa từng có kể từ đầu tháng 2/2016. Điều này cũng có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Vì vậy, giới phân tích cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ khó sôi động trong tuần giao dịch tới vì tâm lý nghỉ ngơi và chốt lời của nhà đầu tư trước khi nghỉ Tết Mậu Tuất. Rất có thể thanh khoản trong tuần giao dịch tới có xu hướng giảm dần và các chỉ số chính cũng chưa thể có những đột biến.

Có thể nhận thấy diễn biến thị trường tuần giao dịch vừa qua không mấy khả quan, khi phần lớn các nhóm cổ phiếu quan trọng có sự suy giảm. Đơn cử như nhóm dầu khí bị chốt lời và giảm mạnh nhất trong tuần với các mã tiêu biểu như mã PLX ( Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) giảm 5,6%, PVD (Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí) giảm 10,5%, PVS (Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) giảm 16%.

Thêm vào đó là sự suy giảm mạnh của nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam) giảm 2,3%, SAB (Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) giảm 2%, MSN (Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan) giảm 6,7%.

Các mã cổ phiếu ngành tài chính và ngân hàng cũng không tạo ra được sự tích cực cho thị trường chung khi có diễn biến lình xình và phân hóa mạnh.

Không chỉ dòng tiền nội đang có dấu hiệu thoái lui khỏi thị trường, dòng tiền ngoại cũng đang tỏ ra khá thận trọng.

Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 7 liên tiếp, tuy nhiên, giá trị mua ròng đã giảm tới 75,7% so với tuần trước đó và chỉ đạt 420 tỷ đồng (tuần từ 22- 26/1, khối ngoại trên HOSE mua ròng 1.731 tỷ đồng)

Trên sàn HNX, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp, với giá trị tăng 69% so với tuần trước và đạt trên 98 tỷ đồng, tương ứng khối lượng là 3,6 triệu cổ phiếu.

Như vậy, tổng khối lượng mua ròng trên 2 sàn đạt 43,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 321,88 tỷ đồng.

Việc khối ngoại đã giảm mua ròng trên 2 sàn cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm hiện tại.

Với diễn biến giao dịch của thị trường trong tuần qua, nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra những nhận định khá thận trọng cho tuần giao dịch tới.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng, thị trường đồng loạt hồi phục trở lại nhưng thanh khoản giảm mạnh cho thấy có tín hiệu dòng tiền đang đứng ngoài quan sát.

“Sự hồi phục này được đánh giá còn yếu do sự hồi phục về giá và khối lượng đều thấp. Trong điều kiện thị trường biến động như vậy, nhà dầu tư cũng cần quan sát thêm tín hiệu của thị trường”, VDSC khuyến nghị.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán FPT - FPTS, rủi ro của việc giảm sâu dưới mốc 1.100 điểm đã tạm thời được đẩy lùi tuy nhiên nếu bỏ qua tác động của nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số mã Bluechips (Cổ phiếu của các công ty có vốn hóa thị trường lớn) thì rõ ràng phần còn lại của thị trường đang giao dịch thiếu tích cực với xu hướng đi xuống là chủ đạo.

FPTS dự báo trong các phiên tiếp theo, cung - cầu thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị thử thách và VN-Index có thể sẽ duy trì đi ngang trong khoảng 1100 - 1120 điểm.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC nêu quan điểm, trong phiên giao dịch cuối tuần, thanh khoản tiếp tục suy giảm đã cho thấy tâm lý dè chừng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, áp lực bán ra cũng giảm đi đáng kể giúp cho thị trường có phiên phục hồi nhẹ.

BSC nhận định, thị trường có thể sẽ tích lũy trong những phiên sắp tới, nhà đầu tư nên hạn chế bắt đáy hoặc mua đuổi giá trần. Thay vào đó, có thể quan sát thị trường và chờ đợi dòng tiền thông minh quay trở lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục