Nhân rộng mô hình Chợ 4.0

11:26' - 14/09/2022
BNEWS Mô hình Chợ 4.0 tại tỉnh Thái Nguyên đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt.

Mô hình Chợ 4.0 tại tỉnh Thái Nguyên đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn.

 

Từ cuối tháng 4/2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên phối hợp UBND huyện Đại Từ và một số đơn vị triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 tại chợ Trung tâm Đại Từ. Sau một thời gian triển khai, chợ Đại Từ đã có hơn 300 tiểu thương tạo mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chiếm 80% tổng số tiểu thương; hơn 3.000 giao dịch phát sinh hàng tháng với số tiền hàng tỷ đồng.

Ông Lê Thế Bân (kinh doanh tại chợ Trung tâm Đại Từ) cho biết, mỗi tiểu thương được hướng dẫn tạo một mã QR. Người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây.

Sau một thời gian thanh toán theo phương thức này, các tiểu thương ở chợ thấy rất thuận lợi. Nếu như trước đây, hàng ngày phải đổi vài trăm nghìn tiền lẻ để trả lại cho khách, bây giờ không cần nữa, sản phẩm trị giá bao nhiêu tiền người mua hàng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản.

Chị Hoàng Phương Mây (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) chia sẻ, chị đã dùng phương thức thanh toán bằng điện thoại khi mua hàng tại chợ hơn 2 tháng nay và thấy rất thuận tiện. Giờ đi ra ngoài, chị hay cầm điện thoại hơn là cầm tiền mặt, lúc quên tiền cũng có thể thanh toán bằng điện thoại rất tiện lợi.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đại Từ cho biết, để thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt như trước đây của bà con, khuyến khích các tiểu thương, nhân dân sử dụng dịch, Phòng đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cách cài đặt, sử dụng và có các ưu đãi khi sử dụng phương thức thanh toán mới.

Hiện, với mỗi giao dịch phát sinh từ 20.000 đồng trở lên, người mua và người bán đều được cộng 5.000 đồng vào tài khoản.

Từ thành công tại chợ Trung tâm Đại Từ, mô hình Chợ 4.0 đã được nhân rộng, triển khai ra 12 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với trên 70% số tiểu thương đã tạo mã QR Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt và được nhân dân ủng hộ.

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ có khoảng 60 chợ truyền thống được triển khai theo mô hình Chợ 4.0 về thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến thời điểm hiện tại, các huyện, thành phố đã đăng ký triển khai mô hình tại 82 chợ. Sở cũng đang phối hợp với một số đơn vị như huyện Phú Bình, thành phố Thái Nguyên triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực giáo dục, y tế… Đây là một điểm sáng của tỉnh trong phát triển xã hội số.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, để Chợ 4.0 hoạt động hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp tuyên truyền cho nhân dân về các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; phát huy vai trò của hơn 2.200 Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh để trực tiếp hướng dẫn, vận động người dân sử dụng, cài đặt nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt và các nền tảng, dịch vụ khác trên điện thoại thông minh…

Từ đó tạo cơ hội cho người dân thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ số, sử dụng công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01 của Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục