Nhân rộng mô hình trồng lúa, nuôi lợn theo hướng hữu cơ

08:08' - 28/09/2022
BNEWS Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, kết quả thí điểm trồng lúa hữu cơ vụ lúa Hè Thu năm 2022, năng suất lúa hữu cơ có thấp hơn so với canh tác truyền thống nhưng làm ra gạo có chất lượng ngon.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức chương trình khảo sát thực tế mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Cẩm Mỹ và chăn nuôi lợn hữu cơ tại huyện Định Quán.

Theo đó, mô hình trồng lúa hữu cơ được triển khai tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ với diện tích 8.500 m2, trồng giống lúa ST24. Nông dân tham gia mô hình thí điểm này được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ 50% vật tư đầu vào, cử cán bộ hướng dẫn quy trình sản xuất và đảm bảo đầu ra.

 

Nông dân sẽ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tiêu chuẩn 5 không (không thuốc diệt cỏ; không chất bảo quản; không thuốc trừ sâu hoá học; không dư lượng hoá chất độc hại; không chất kích thích tăng trưởng). Thay vào đó sẽ ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm, rạ chuyển đổi thành phân bón tạo ra kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, kết quả thí điểm trồng lúa hữu cơ vụ lúa Hè Thu năm 2022, năng suất lúa hữu cơ có thấp hơn so với canh tác truyền thống nhưng làm ra gạo có chất lượng ngon, bán với giá tốt nên nông dân vẫn đạt lợi nhuận tốt hơn so với cách làm truyền thống.

Chị Đoàn Thị Như, tổ 8, ấp 9, xã Sông Ray cho biết, gia đình chị làm lúa theo mô hình này năng suất dù kém hơn cách làm lúa trước đây nhưng giá thành cao hơn, được tập đoàn bao tiêu đầu ra nên không lo bị thương lái ép giá. Hơn nữa sản phẩm làm ra sạch, gia đình ăn cũng an tâm và bán ra người dùng được tiếp cận lúa gạo sạch cũng tốt hơn.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm cho biết, khi nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ sẽ làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất. Làm lúa hữu cơ vừa có lợi cho nông dân vừa có lợi cho người tiêu dùng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Sản phẩm sạch sẽ dễ xâm nhập thị trường và giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Theo ông Trần Hải Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, đây là vụ thứ 2 người dân trồng lúa theo mô hình hữu cơ và cây lúa đang tăng trưởng phát triển tốt. Sản xuất lúa hữu cơ nông dân phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, không sử dụng hoá học. Do đó, giúp môi trường sống an toàn, tạo ra sản phẩm sạch. Đặc biệt nông dân tạo ra được chuỗi giá trị trong sản xuất và có đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa gạo.

Tại huyện Định Quán Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai thí điểm 2 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học nên chuồng nuôi không mùi hôi, kiểm soát dịch bệnh tốt. Điểm nổi bật của mô hình này là nông dân trồng chuối, dược liệu, tận dụng nguồn rau, nông sản tại chỗ làm nguyên liệu phối trộn thức ăn chăn nuôi; sử dụng các chế phẩm vi sinh do tập đoàn cung cấp để xử lý chất thải trong chăn nuôi, phế thải trong sản xuất nông nghiệp… làm phân bón hữu cơ vi sinh sử dụng trong trồng trọt.

Cả 2 mô hình trên nằm trong nội dung Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm trong phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như sản phẩm chăn nuôi, lúa, rau đậu các loại, cây ăn trái…

Dự kiến trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp với doanh nghiệp này xây dựng 5 mô hình hữu cơ đối với sản phẩm lúa tại huyện Cẩm Mỹ, bưởi tại huyện Vĩnh Cửu và chăn nuôi lợn tại huyện Định Quán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục