Nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm

06:34' - 07/03/2017
BNEWS Các loại cây trồng áp dụng mô hình tưới tiết kiệm chủ yếu là rau, măng tây xanh, hành, tỏi, mía, nho, táo, cỏ chăn nuôi, cây ăn quả và mô hình sản xuất lúa 1 phải, 5 giảm.
Hệ thống tưới phun mưa cho rau màu tại xã An Hải, huyện Ninh Phước. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Thấy được hiệu quả của mô hình tưới nước tiết kiệm mang lại, đồng thời để ứng phó với hạn hán có thể xảy ra gây thiệt hai cho sản xuất, năm 2017, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục chủ động nhân rộng thêm 44 mô hình tưới nước tiết kiệm trên rau màu, cây ăn quả. Để mô hình tưới nước tiết kiệm sớm thực hiện, Ninh Thuận cần có chính sách hỗ trợ thiết thực để thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, năm nay việc nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm được thực hiện tại nhiều địa phương của 7 huyện, thành phố trong tỉnh, với diện tích hơn 5.800 ha; trong đó, nhiều nhất là ở các địa phương của huyện Ninh Phước với diện tích hơn 3.750 ha.

Các loại cây trồng áp dụng mô hình tưới tiết kiệm chủ yếu là rau, măng tây xanh, hành, tỏi, mía, nho, táo, cỏ chăn nuôi, cây ăn quả và mô hình sản xuất lúa 1 phải, 5 giảm. Phấn đấu đến năm 2020 tiếp tục nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm lên 14.700 ha, với tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng; trong đó, vốn do nhân dân đóng góp là 100 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách nhà nước.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết, để mô hình được triển khai kịp thời, rộng khắp, ngoài sự đầu tư vốn của nhà nước thực hiện xây dựng kênh mương dẫn nước thì chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, lồng ghép các nguồn vốn, nhất là vốn trong nhân dân để mở rộng đầu tư mô hình tiết kiệm nước phù hợp với loại cây trồng đặc thù phát triển của địa phương.

Tại địa phương trọng điểm về phát triển nông nghiệp như Ninh Phước, mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng tuy được người dân triển khai từ hơn 10 năm nay, nhưng đến giờ diện tích mở rộng mô hình tưới chỉ được khoảng 400 ha.

Nhiều hộ dân trồng rau màu ở xã An Hải, huyện Ninh Phước cho rằng, hiệu quả của mô hình tưới nước tiết kiệm mang lại khá rõ đối với vùng đất cát thiếu nước tưới. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình thì cần nhiều vốn đầu tư, trong khi điều kiện của người dân lại không đủ đáp ứng.

Ông Hùng Ky, ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải cho biết, gia đình ông có hơn 2 ha đất sản xuất, nhưng do hạn hán thiếu nước nên chỉ canh tác với số ít. Trước đây nghe mô hình tưới nước tiết kiệm, gia đình ông đã ứng dụng làm theo.

Tuy nhiên, để đầu tư mua thiết bị lắp đặt thì cần rất nhiều kinh phí, vì lẽ đó hiệu quả bước đầu mang lại không cao. Năm 2010, mặc dù được dự án IDE Việt Nam hỗ trợ công nghệ tưới nước phun mưa, nhưng gia đình ông cũng phải vay mượn đầu tư thêm kinh phí 90 triệu đồng lắp đặt hệ thống ống dẫn, van phun… Nhờ đó, đã tưới được phần lớn diện tích đất sản xuất.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận, mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn mang lại hiệu quả cao về môi trường, nhất là đối với tỉnh luôn xảy ra hạn hán như Ninh Thuận. Nhờ áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa tầm thấp nên đã tiết kiệm được từ 40% đến 60% lượng nước tưới; giảm được 30% công lao động; tiết kiệm 30% lượng phân bón; giảm khoảng 4% chi phí đầu tư nhưng lợi nhuận tăng từ 9% đến 11% so với phương pháp tưới kiểu truyền thống. Dù vậy từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh chỉ thực hiện được có 24 mô hình sản xuất áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm với tổng diện tích hơn 7.000 ha.

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận cho rằng, với người dân ai cũng mong được lắp đặt thiết bị tưới tiết kiệm, nhưng khổ nỗi lại không có vốn đầu tư. Do đó, ngoài việc đầu tư công trình thủy lợi, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ giúp nông dân lắp đặt các công nghệ tưới tiết kiệm nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Ngoài ra tỉnh cũng cần có giải pháp, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư hoặc kêu gọi doanh nghiệp chủ động đưa công nghệ tưới về lắp đặt và được người dân trả theo kiểu “gối đầu”.

Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi gắn với lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước là giải pháp rất quan trọng đối với tỉnh khô hạn như Ninh Thuận. Do đó, để các mô hình tưới phát huy hiệu quả, vướng mắc bài toán về vốn, chính sách hỗ trợ, liên kết chuyển giao công nghệ tiên tiến với chi phí thấp cho nông dân… cần sớm được tháo gỡ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục