Gỡ "nút thắt" cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

19:07' - 24/02/2017
BNEWS Ngày 24/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”.
Tọa đàm "Tạo đà khởi nghiệp cho nông nghiệp công nghệ cao". Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Những khó khăn, hay “nút thắt” cả khách quan và chủ quan đối với các doanh nghiệp lựa chọn con đường khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao cũng như những giải pháp để doanh nghiệp đến với nông nghiệp công nghệ cao là những nội dung đã được các khách mời bàn thảo.

Ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) cho rằng, bất cập lớn nhất trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đất đai.

Bởi đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa để xuất khẩu thì sản lượng phải rất cao.

Theo ông Trần Quốc Thắng, “nút thắt” nữa chính là sự liên kết giữa người có ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với người nghiên cứu nhưng không biết chuyển giao ở đâu.

Đây là mối liên kết cực kỳ quan trọng, nếu không có mối liên kết này việc ứng dụng đến tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ rất khó khăn.

Đây chính là liên kết 3 nhà “Nhà nước-Doanh nghiêp-Khoa học”, tạo thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

“Nếu hệ sinh thái khởi nghiệp này, hay hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hình thành, phát triển mạnh mẽ thì sự hình thành khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp trong nông nghiệp công nghệ cao sẽ có nhiều khởi sắc”, ông Trần Quốc Thắng nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả thì phải có quy mô, muốn xuất khẩu thì cần sản phẩm.

Doanh nghiệp có thể thu gom nhưng không thể đảm bảo chất lượng đồng nhất và quản trị, truy suất nguồn gốc sẽ gặp khó khăn, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất khó.

Luật Đất đai đang hạn chế về hạn điền, dẫn đến tăng chi phí, tăng rủi ro cho doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp muốn khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao, ông Trần Quốc Thắng lưu ý, doanh nghiệp đầu tiên phải có ý tưởng.

Ý tưởng về sản phẩm đó sẽ nằm trong phân khúc nào, sự đáp ứng sẽ như thế nào, công nghệ để áp dụng.

Trong nông nghiệp, vấn đề lớn đó là an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, các tiêu chuẩn kỹ thuật…

Đây là vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, là đội ngũ thực hiện ý tưởng, đó là công nghệ, kinh doanh, maketing… và sự liên kết các tri thức, nhà sản xuất ra tri thức, nhà khoa học, viện nghiên cứu, chuyên gia là điều kiện quyết định rất nhiều đến thành công của doanh nghiệp đó.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Nhà nước cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, xem cái gì hiệu quả, không hiệu quả.

Cùng với đó là giảm các loại phí, từ đó giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi hơn; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp để tạo vốn cho họ.

Bên cạnh các yếu tố ưu đãi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp thường như thuế, vốn… còn yếu tố quan trọng nữa là phải đảm bảo quyền bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp, cần bảo đảm hợp đồng, sự tuân thủ giữa doanh nghiệp và người dân, đây là sự tác động rất lớn với doanh nghiệp.

“Chẳng hạn như trong dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đang mong muốn thu hút đầu tư tư nhân vào đầu tư phát triển rừng. Nhưng trong xây dựng luật một mặt là khuyến khích người dân đầu tư vào trồng rừng nhưng khi rừng đến tuổi khai thác thì lại phải xin phép. Như vậy, người dân tạo ra sản phẩm của họ nhưng họ lại không có quyền đối với sản phẩm này”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Thông tin về dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST), ông Trần Quốc Thắng cho biết, đây là dự án đầu tiên của World Bank hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Mục tiêu của dự án là hoạt động đổi mới sáng tạo và đưa những công nghệ mới, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản phẩm cụ thể để chiếm lĩnh được thị trường.

Tư tưởng lấy doanh nghiệp là trung tâm, tạo sự liên kết chặt chẽ doanh nghiệp với các nhà nghiên cứu khoa học công nghệ với sự hỗ trợ, cơ chế chính sách nhà nước thì các sản phẩm khoa học công nghệ sẽ có cụ thể, chất lượng cao, chiếm được thị trường.

Trong giai đoạn đầu, chương trình đã tài trợ cho 40 dự án; trong đó có 17 dự án hỗ trợ liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, đó là 5 viện nghiên cứu nông nghiệp và 12 doanh nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục