Nhân viên khách sạn được hỗ trợ khó khăn theo nhóm nào?

07:00' - 30/08/2021
BNEWS Ông N.N.M.C (Lâm Đồng) làm việc ở khách sạn Đà Lạt Plaza. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, khách sạn đóng cửa cho nhân viên nghỉ nên ông mất việc làm. Ông C hỏi, trường hợp của ông có được hỗ trợ không?

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng trả lời vấn đề này như sau:

Trường hợp ông N.N.M.C có tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định và phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc ngừng việc… đề nghị ông tham khảo đối chiếu với các quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để được hỗ trợ theo quy định.

Trường hợp nếu là ông N.N.M.C là lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị mất việc làm, không có thu nhập, làm một trong các công việc sau:

- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;

- Tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực: Ăn uống, lưu trú, du lịch, cơ sở làm đẹp (cắt, uốn tóc, làm móng, gội đầu), karaoke, vũ trường, quán bar, phòng trà, rạp chiếu phim, cơ sở massage xông hơi, điểm kinh doanh trò chơi điện tử, cơ sở tập gym, bida, yoga, golf, hồ bơi.

- Thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (kể cả lái xe công nghệ), lái xe, phụ xe ô tô chở khách, vận chuyển hàng hóa, xe ngựa chở khách;

- Đánh giày; lao động tại các trường mầm non, nhóm trẻ.

- Người bán vé số lưu động.

Theo như nội dung phản ánh kiến nghị của ông N.N.M.C làm việc ở khách sạn Đà Lạt Plaza. Nếu ông không có giao kết hợp đồng lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị mất việc làm, không có thu nhập thì được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 1900/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Nếu ông thuộc đối tượng hỗ trợ thì liên hệ UBND phường 3, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để làm thủ tục hỗ trợ theo quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục