Nhật Bản báo động tình trạng tu nghiệp sinh quốc tế bị chủ lao động đối xử bất công

17:01' - 29/03/2019
BNEWS Kyodo dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết rất nhiều tu nghiệp sinh quốc tế ở nước này bị chủ lao động đối xử bất công, trong đó có việc trả thù lao quá thấp và bị bắt ép làm việc ngoài giờ.

Theo bộ trên, 171 tu nghiệp sinh đã tử vong tại Nhật Bản trong vòng 6 năm (từ 2012 - 2018), trong số này 28 người thiệt mạng vì các vụ tai nạn trong quá trình thực tập và 17 trường hợp tử vong do tự vẫn, với nguyên nhân được cho là ức chế tinh thần.

Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng tiến hành khảo sát đối với 5.218 tu nghiệp sinh đến nước này theo chương trình thực tập nội trú về kỹ thuật do nhà nước tài trợ, song đã trốn khỏi nơi làm việc. Kết quả cho thấy 759 người trong số này bỏ việc do bị chủ lao động đối xử bất công.

Những số liệu nêu trên đã làm dấy lên mối lo ngại về điều kiện làm việc khắc nghiệt đối với các tu nghiệp sinh quốc tế tại Nhật Bản, trong bối cảnh nước này ngày 1/4 tới sẽ công bố chương trình thị thực mới nhằm thu hút thêm lao động nước ngoài đến đất nước "Mặt Trời mọc".

Từ năm 1993, Nhật Bản bắt đầu thực hiện Chương trình phái cử và tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài, nhằm mục tiêu truyền kỹ năng lao động cho công dân từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, chương trình này của Nhật Bản đã bị chỉ trích rất nhiều cả ở trong lẫn ngoài nước, coi đây là bình phong cho việc thuê nhân công giá rẻ để đối phó tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng do sự già hóa dân số.

Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến cuối tháng 12/2018, đã có 328.360 người đến Nhật Bản với tư cách tu nghiệp sinh quốc tế, tuy nhiên 9.052 người trong số này đã "biến mất" chỉ tính riêng trong năm 2018. Cuộc điều tra của bộ trên cũng phát hiện 4.280 doanh nghiệp thuê các lao động là thực tập sinh, trong đó 383 doanh nghiệp trong số này không thể liên lạc được, trong khi một số khác từ chối hợp tác với cơ quan chức năng và các doanh nghiệp còn lại đã phá sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục