Nhật Bản bị thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ năm 2015

12:46' - 23/01/2019
BNEWS Nhật Bản đã bị thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ năm 2015 khi xuất khẩu tăng chậm lại do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Nhật Bản bị thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ năm 2015. Ảnh minh họa: EPA/ TTXVN

Theo số liệu thống kê công bố ngày 23/1 của Bộ Tài chính Nhật Bản, năm 2018 nước này đã bị thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ năm 2015, khi xuất khẩu tăng chậm lại do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ - hai đối tác thương mại hàng đầu của "đất nước hoa anh đào".

Nhật Bản đã bị thâm hụt thương mại 1.203 tỷ yen (11 tỷ USD) năm 2018 sau 2 năm đạt thặng dư thương mại trước đó, với xuất khẩu tăng 4,1%, thấp hơn mức tăng 11,8% năm 2017. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc và Mỹ trong năm 2018 tăng lần lượt 6,8% và 2,3%, thấp hơn nhiều so với các mức tăng tương ứng 20,5% và 6,9% của năm 2017.

Theo nhà kinh tế Takeshi Minami của Viện Nghiên cứu Norinchukin, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ không còn mạnh nhưng vẫn khá vững, nhưng xuất khẩu sang các nước châu Á, nhất là Trung Quốc, đã chậm lại.

Cuộc chiến thương mại đã tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu linh kiện và thiết bị của các doanh nghiệp Nhật Bản để lắp ráp thành các sản phẩm tại các nhà máy ở Trung Quốc, cũng như xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc.

Nhật Bản dự kiến kể từ tháng 10/2019 sẽ tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% hiện nay lên 10%, có thể khiến nhu cầu tiêu dùng gia tăng trước khi mức thuế mới được áp dụng.

Điều này có thể thúc đẩy hoạt động nhập khẩu của Nhật Bản từ nay đến tháng 9/2019, qua đó làm tăng mức thâm hụt thương mại của đất nước này.

Trong tháng 12/2018, thâm hụt thương mại của Nhật Bản là 55,3 tỷ yen, trái ngược với mức thặng dư thương mại 356 tỷ USD cùng kỳ năm 2017. Trong tháng cuối cùng của năm 2018, xuất khẩu của Nhật Bản giảm 3,8%, trong lúc nhập khẩu của nước này tăng 1,9%.

Số liệu trên được công bố một vài giờ trước khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ đưa ra một thông báo chính sách sau cuộc họp trong 2 ngày 22-23/1.

BoJ dự kiến sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát, bất chấp việc thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm đẩy lạm phát tăng lên 2%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục