Nhật Bản cam kết đóng góp 25 triệu USD cho cơ chế tài chính mới của ADB

08:04' - 05/05/2023
BNEWS Theo ADB, hơn 40% trong các đợt thiên tai có liên quan khí hậu vào thế kỷ này xảy ra tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết nước này sẽ đóng góp 25 triệu USD giúp các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu thông qua một cơ chế tài chính mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Khoản đóng góp trên sẽ được chuyển vào Quỹ Tài chính Đổi mới cho Khí hậu ở châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua cơ chế này, ADB lập kế hoạch tăng các khoản cho vay lên tới 15 tỷ USD nhằm khuyến khích thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực vốn dễ tổn thương trước các thảm họa liên quan khí hậu. 

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng quản trị ngân hàng ADB, Bộ trưởng Suzuki nhấn mạnh trong những năm gần đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường chịu nhiều thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và các đợt thiên tai trên quy mô lớn do biến đổi khí hậu. Vì vậy, cách tiếp cận cân bằng theo hướng thích ứng song song với các biện pháp giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu là điều cần thiết. 

 

Người đứng đầu Bộ Tài chính Nhật Bản cũng nhấn mạnh cần đạt được các mục tiêu tham vọng trong việc đưa phát thải ròng carbon về mức 0, đi đôi với ngăn ngừa hoặc quản lý việc đánh đổi giữa các nỗ lực vì khí hậu với những mục tiêu phát triển quan trọng khác trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục.

Ngoài Nhật Bản, Đan Mạch, Hàn Quốc, Thụy Điển, Anh và Mỹ là những đối tác đầu tiên của cơ chế tài chính mới nói trên. 

Theo ADB, hơn 40% trong các đợt thiên tai có liên quan khí hậu vào thế kỷ này xảy ra tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ADB đặt mục tiêu hỗ trợ 100 tỷ USD trong lĩnh vực khí hậu cho các quốc gia đang phát triển là thành viên của ngân hàng này kể từ năm 2019-2030. 

Biến đổi khí hậu là một trong những chương trình nghị sự quan trọng đối với Nhật Bản, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Cũng tại hội nghị trên, Bộ trưởng Suzuki cho rằng các quốc gia thu nhập trung bình và thu nhập thấp đối diện rủi ro lớn hơn liên quan các khoản nợ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.

Ông hoan nghênh việc triển khai chương trình phối hợp tái cấu trúc nợ mới đây đối với các chủ nợ song phương của Sri Lanka - quốc gia đang chìm trong khủng hoảng. Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp tuyên bố bắt đầu tiến hành quá trình tái cấu trúc này vào tháng 4 vừa qua.

Cũng theo Bộ trưởng Suzuki, điều quan trọng là cần cải thiện tính minh bạch và chính xác đối với các số liệu nợ nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục