Nhật Bản cần "đại cải cách" để đảo ngược tình trạng suy giảm nhân lực

06:30' - 16/08/2023
BNEWS Quan ngại về tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại Nhật Bản đang tăng lên trên phạm vi toàn quốc.

Theo báo Nikkei, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực một cách trầm trọng. Trong thời gian gần đây, những tiếng nói quan ngại về tình trạng thiếu nguồn nhân lực đang tăng lên trên phạm vi toàn quốc.

Ngay cả ở các thành phố lớn, thiếu nguồn nhân lực đã bắt đầu gây hạn chế hoạt động kinh tế, xã hội. Nhật Bản trong thời gian tới sẽ đối mặt với tình trạng suy giảm nhân lực một cách nghiêm trọng hơn so với hiện nay.

 

Trong bối cảnh già hóa dân số, để duy trì chức năng xã hội, Chính phủ Nhật Bản có thể cần thúc đẩy những chính sách đa góc độ nhằm giải quyết những nguy cơ mang tính quốc gia.

Theo công ty điều tra xã hội Teikoku Databank, số doanh nghiệp phải phá sản do thiếu nguồn nhân lực tại Nhật Bản trong nửa đầu năm 2023 là 110 trường hợp, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2022, ghi nhận đà tăng cao nhất từ trước đến nay. Ngay cả tại các khu phố lớn tại thủ đô Tokyo như Shinjuku và Shibuya, nhiều cửa hàng ăn uống đã phải dán thông báo cắt giảm thời gian hoạt động do thiếu nhân viên.

Theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, số lượng lao động tại Nhật Bản đã bắt đầu tăng kể từ năm 2013 và lập đỉnh vào năm 2019 là 67,5 triệu người. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, số lượng lao động tại Nhật Bản đã giảm nhưng sau đó đã hồi phục về mức trước khi dịch COVID-19 xảy ra (tháng 5/2023 đạt 67,45 triệu lao động).

Tổng số người lao động duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, số người lao động ở độ tuổi 25-44 tuổi sụt giảm. Trong quãng thời gian 10 năm từ 2013 đến 2023, số lao động trong độ tuổi này đã sụt giảm tới 2,9 triệu người, cao hơn cả dân số của thành phố Osaka.

Phụ nữ trong giai đoạn chăm sóc con nhỏ chỉ có thể đi làm trong khoảng thời gian giới hạn. Nhiều lao động là người cao tuổi cũng lựa chọn hình thức làm việc bán thời gian. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực đã ngày càng trở nên trầm trọng.

Thống kê của Trung tâm nghiên cứu an sinh xã hội và vấn đề dân số quốc lập cho thấy, dân số ở độ tuổi từ 15-64 tuổi tại Nhật Bản năm 2020 là 75 triệu người và sẽ giảm xuống mức 62,13 triệu người vào năm 2040. Trong vòng 10 năm tính đến năm 2030, tốc độ sụt giảm dân số độ tuổi này hàng năm trung bình đạt 430.000 người. Tuy nhiên, sau năm 2030, tốc độ sụt giảm sẽ tăng lên 860.000 người/năm.

Cho đến hiện tại, Nhật Bản có thể bù đắp việc thiếu nhân lực bằng cách đào tạo và nâng cao hiệu suất làm việc của người lao động. Tuy nhiên, nước này cần có biện pháp tránh lãng phí nguồn nhân lực và tái cấu trúc hệ thống kinh tế và xã hội.

Một trong các biện pháp mang tính chủ chốt là tiết kiệm lao động triệt để. Cần thay đổi sang nhận thức rằng con người chỉ giải quyết những công việc không thể xử lý‎ bằng công nghệ. Mọi tổ chức cần xác định đâu là công việc cần ưu tiên nguồn lao động một cách hợp l‎ý.

Lao động sụt giảm kéo theo tiền lương tăng lên là chuyển động tự nhiên của nền kinh tế. Tăng lương để đảm bảo nguồn nhân lực và loại bỏ những công ty không theo kịp cũng là một cơ chế để phân bổ tối ưu nguồn nhân lực cho những công ty có năng suất cao. Chính phủ Nhật Bản có thể hỗ trợ chuyển đổi lao động một cách thuận lợi, thông qua cải cách thị trường lao động và đào tạo lại kỹ năng.

Một trụ cột chính sách khác là mở rộng việc chấp nhận lao động nước ngoài. Từ xa xưa, Nhật Bản đã chấp nhận người nước ngoài, đồng thời tiếp thu công nghệ và văn hóa của họ. Đây là điều khiến Nhật Bản trở nên độc đáo, và giờ đây, cuộc khủng hoảng dân số là lúc để tận dụng tối đa khả năng này. Để thúc đẩy những cải cách xã hội lớn như vậy, chính phủ cần có cơ quan chỉ đạo chung do nhiều vấn đề phát sinh trong việc liên kết giữa các bộ ngành để thực hiện các chính sách lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục