Nhật Bản cần ưu tiên giải quyết vấn đề nợ cao và cải cách tài chính​

11:32' - 22/05/2024
BNEWS Trong một loạt khuyến nghị gửi lên Chính phủ Nhật Bản, hội đồng cố vấn chính sách tài khóa đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thâm hụt ngân sách và quy mô nợ quốc gia so với nền kinh tế.
Một hội đồng cố vấn chính sách tài khóa của Nhật Bản ngày 21/5 cho biết Chính phủ Nhật Bản không nên chùn bước trong nỗ lực khôi phục sức khỏe tài chính vì khả năng lãi suất tăng cao sẽ đồng nghĩa với việc quốc gia đang có gánh nặng nợ nần này sẽ phải chi trả nhiều hơn, qua đó có thể hạn chế khả năng chi tiêu khẩn cấp trong tương lai.

Trong một loạt khuyến nghị gửi lên chính phủ trước khi lập kế hoạch chính sách tài khóa vào mùa Hè năm nay, hội đồng này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thâm hụt ngân sách và quy mô nợ quốc gia so với nền kinh tế.

 
Nhật Bản đặt mục tiêu ghi nhận thặng dư trong cán cân ngân sách chính, doanh thu thuế trừ chi tiêu, ngoại trừ chi phí phục vụ nợ, trong năm tài khóa 2025, mặc dù mục tiêu này được cho là khó đạt được.

Hội đồng này, chủ yếu gồm các học giả, đang kêu gọi chính phủ tính cả các khoản thanh toán liên quan đến nợ khi đánh giá mức độ cải thiện sức khỏe tài chính, hiện đang tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến.

Đề xuất trên được đưa ra sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm hồi tháng 3/2024. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản dài hạn có xu hướng tăng cao, với lãi suất chuẩn cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm gần chạm mức 1%.

Hội đồng cố vấn này cho biết với số dư nợ khổng lồ, Nhật Bản cần nhận thức rõ hơn các quốc gia khác về rủi ro chi phí trả nợ sẽ tăng do lãi suất cao hơn và quản lý tài chính một cách tiết kiệm.

Trong khi nợ của Nhật Bản gấp hơn hai lần quy mô nền kinh tế, song BoJ nắm giữ khoảng 50% số trái phiếu chính phủ đang lưu hành được mua trong những năm nới lỏng tiền tệ.

Theo hội đồng trên, việc nợ nần chồng chất của Nhật Bản là bằng chứng cho thấy nước này đã chậm chuyển đổi từ chế độ khẩn cấp, khi các gói kích thích tài chính khổng lồ được đưa ra trong những năm qua để ứng phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế và thiên tai, làm gia tăng khó khăn cho quốc gia đang già hóa nhanh chóng này.

Trong một hoạt động nghiệp vụ định kỳ ngày 13/5, BoJ đã chào mua một lượng trái phiếu chính phủ ít hơn so với ngày 24/4, nhằm giảm sự hiện diện của mình trên thị trường nợ của nước này. Động thái này có thể đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản lên cao, thu hẹp khoảng cách lợi suất đáng kể giữa Nhật Bản và Mỹ - yếu tố đang gây áp lực lên đồng yen.

BoJ cho biết sẽ mua 425 tỷ yen (2,7 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm đến 10 năm, so với lượng trái phiếu trị giá 475,5 tỷ yen được mua trong đợt điều hành tháng trước. Con số này vẫn nằm trong phạm vi được lên kế hoạch cho quý hiện tại. Đây là lần giảm mua trái phiếu đầu tiên kể từ cuối tháng 12 năm ngoái.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản trong quý I/2024 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 2 quý.

So với quý trước đó, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,5%. GDP của Nhật Bản giảm do nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng của tình trạng lạm phát tăng cao và việc công ty Daihatsu Motor Co. thuộc tập đoàn sản xuất ô tô Toyota tạm ngừng xuất khẩu sau bê bối gian lận kiểm tra an toàn xe.

Như vậy, kinh tế Nhật Bản trong quý I/2024 giảm sâu hơn các mức dự báo trước đó của các nhà kinh tế, trong đó Trung tâm nghiên cứu kinh tế của Nhật Bản dự báo mức giảm 1,17% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,29% so với quý trước đó.

Tiêu dùng cá nhân vốn đóng góp hơn 50% cho nền kinh tế Nhật Bản giảm 0,7%. Đây là quý thứ 4 liên tiếp tiêu dùng cá nhân ở Nhật Bản giảm và là chuỗi giảm dài nhất trong 15 năm qua, cho thấy nhu cầu trong nước đang suy yếu, một yếu tố quan trọng để Nhật Bản thúc đẩy chu kỳ tăng lương và giá.

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong quý trên giảm 5%, bất chấp du lịch tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh đồng yen mất giá thúc đẩy du khách nước ngoài đến Nhật Bản. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 3,4% trong bối cảnh nhập khẩu năng lượng giảm.

Theo thống kê chính thức, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản đã giảm 14 tỷ USD trong tháng 4/2024.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản, dự trữ ngoại hối của nước này giảm xuống 1.140 tỷ USD trong tháng trước, chủ yếu do giá trị lượng chứng khoán nước ngoài (mà Nhật Bản nắm giữ) giảm từ 995 tỷ USD trong tháng 3/2024 xuống 978 tỷ USD, trong bối cảnh giá trị thị trường của các tài sản ở nước ngoài (trong đó có trái phiếu) giảm, khi lợi suất tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục