Nhật Bản chưa có ngân hàng thế hệ mới

06:42' - 19/05/2021
BNEWS Mặc dù là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng mở nhưng cho đến nay Nhật Bản vẫn chưa có sự xuất hiện của một ngân hàng thế hệ mới- neo bank nào.

Theo giới chuyên gia, khi các đổi mới hoặc xu hướng nước ngoài được người Nhật Bản đặt một cái tên riêng dễ gợi nhớ, đó là bằng chứng cho thấy chúng đã trở nên rất phổ biến ở quốc gia này.

Tuy nhiên tới nay vẫn chưa có một danh xưng nào trong tiếng Nhật cho các neo bank – những ngân hàng thế hệ mới. Lý do vì dù là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng mở, Nhật Bản vẫn chưa thấy sự xuất hiện của một neo bank nào.

* Neobank – Một xu hướng mới của tài chính toàn cầu

Neo bank chỉ những tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ của họ độc quyền thông qua nền tảng công nghệ và không phải là một phần của một thể chế tài chính lớn đã được thành lập từ lâu.

Các neo bank sử dụng công nghệ được gọi là giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép khách hàng chia sẻ thông tin tài chính hiện có do các ngân hàng truyền thống nắm giữ, rồi sử dụng chúng để truy cập các dịch vụ do neo bank cung cấp.

Để hiểu được vai trò của neo bank trong nền tài chính hiện đại, cần nhìn vào hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do sự sụp đổ năm 2008 của tập đoàn tài chính Lehman Brothers.

Niềm tin trên toàn cầu vào hệ thống ngân hàng sau đó đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Các cơ quan quản lý tài chính bắt đầu áp đặt những yêu cầu quản lý vốn chặt chẽ hơn, cũng như thúc đẩy cạnh tranh trong ngành ngân hàng.

Khi các ngân hàng trung ương cứu trợ một loạt những ngân hàng thương mại khác nhau, các chính phủ đã thúc đẩy thông qua luật yêu cầu các tổ chức tài chính cho phép khách hàng của họ chia sẻ thông tin tài chính của mình với các công ty bên thứ ba.

Sự cải cách hệ thống ngân hàng theo hướng mở này cho phép các neo bank – vốn không chịu gánh nặng bởi các công nghệ thời trước và văn phòng chi nhánh truyền thống - cung cấp các dịch vụ tài chính giá trị gia tăng cho người dùng, chủ yếu tập trung vào tính thuận tiện, chi phí thấp và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Các công ty như Starling Bank ở Anh và N26 ở Đức đã có thể vận hành một mô hình kinh doanh hoàn toàn kỹ thuật số, cung cấp tài khoản ngân hàng và dịch vụ thanh toán với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các ngân hàng truyền thống.

Neo bank ở các quốc gia khác đã giành được thị phần tương đối và được công nhận. Giới đầu tư dường như cũng tin tưởng vào mô hình kinh doanh của các neo bank.

Bằng chứng là Revolut, một neo bank hàng đầu khác có trụ sở tại nước Anh được định giá hơn 5 tỷ USD (số liệu dựa trên lần gọi vốn gần nhất vào tháng 7/2020). Chime, một trong những neo bank lớn nhất có trụ sở tại Mỹ, đã được định giá 14,5 tỷ USD vào tháng Chín năm ngoái.

*Sự vắng bóng các neo bank ở Nhật Bản

Đón đầu xu hướng này, Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016 đã cập nhật Chỉ thị Hệ thống Thanh toán, tạo tiền đề cho các quốc gia thành viên thông qua những khuôn khổ pháp luật thân thiện hơn với sự đổi mới sáng tạo và giúp các công ty công nghệ tài chính phát triển những dịch vụ ngân hàng của mình.

Nhật Bản cũng sửa đổi Đạo luật Ngân hàng vào năm 2018 để chính thức ủng hộ cải cách ngân hàng theo hướng mở. Nhưng từ đó đến nay, tình hình không có nhiều thay đổi.

Dù có gần 200 ngân hàng được cấp phép chính thức tại Nhật Bản, thực tế là thị trường này đang bị thống trị bởi ba ông lớn: MUFG Bank, Sumitomo Mitsui Banking và Mizuho Bank. Một phần lý do khiến Nhật Bản chưa có sự trỗi dậy của các neo bank là vì luật ngân hàng cập nhật không bắt buộc các ngân hàng phải cung cấp quyền truy cập thông tin khách hàng.

Một số neo bank nước ngoài đã cố gắng tiếp cận thị trường Nhật Bản. Revolut và Wise là hai công ty đã hoạt động ở thị trường này trong vài năm qua, nhưng họ vẫn chưa cung cấp đầy đủ các dịch vụ tương tự như tại các thị trường khác.

Nhật Bản cũng có một số ngân hàng kỹ thuật số, chẳng hạn như Rakuten Bank và Sony Bank, vốn cung cấp công nghệ tài chính hiện đại hơn cho khách hàng của họ so với ba “đại gia” nêu trên. Nhưng thị phần của những ngân hàng này chưa đủ lớn để tạo ra sự khác biệt đáng kể.

Điều này khiến người tiêu dùng Nhật Bản vẫn phải đối mặt với mức phí cao, quy trình xử lý chậm chạp và ít khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính linh hoạt, tiện lợi.

Giới chức Nhật Bản đã nỗ lực ủng hộ sự đổi mới và tiến bộ kỹ thuật số trong các dịch vụ tài chính trong những năm qua. Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản hồi năm 2017 đã xuất bản một tài liệu khuyến nghị chính sách có tiêu đề "Tầm nhìn fintech của Nhật Bản", trong đó nêu bật một số sáng kiến chính sách nhằm hỗ trợ thiết lập các dịch vụ tài chính sáng tạo, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ.

Chính quyền Tokyo cũng tổ chức một cuộc thi đổi mới sáng tạo kể từ năm 2018 tới nay, nhằm mời các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong và ngoài nước cung cấp giải pháp cho các vấn đề tài chính hàng ngày mà người dân Tokyo phải đối mặt.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 chắc chắn đã thúc đẩy nhu cầu về những dịch vụ ngân hàng an toàn, số hóa cho người dân, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Mặc dù neo bank không phải là giải pháp duy nhất để cải thiện dịch vụ tài chính ở Nhật Bản, nhưng chúng là sản phẩm phụ và là bằng chứng về một thị trường đang thực sự đổi mới - điều vẫn còn thiếu ở nền kinh tế này.

Sau cùng, những sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số và cải cách ngân hàng mở khác nhau do các cơ quan chính phủ và công ty tài chính lớn ủng hộ sẽ chẳng có ý nghĩa gì, trừ khi các khách hàng - dù là cá nhân hay doanh nghiệp - thực sự tận hưởng được những lợi ích của cạnh tranh trên thị trường: nhiều lựa chọn hơn, giá thấp hơn và dịch vụ tốt hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục