Nhật Bản đề nghị Hàn Quốc tiến hành đối thoại về bảo hộ ngành đóng tàu

17:31' - 07/11/2018
BNEWS Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 6/11 cho biết nước này sẽ đề nghị Hàn Quốc tiến hành đối thoại song phương về hành vi mà Tokyo cho là Seoul đã trợ cấp không công bằng cho ngành đóng tàu nước này

Tuy nhiên, nhiều khả năng cuộc tranh luận này sẽ phải đưa ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để giải quyết.

Nhật Bản đề nghị Hàn Quốc tiến hành đối thoại về bảo hộ ngành đóng tàu. Ảnh: reuters

Nhật Bản tin rằng sự hỗ trợ quy mô lớn của Chính phủ Hàn Quốc dành cho ngành đóng tàu trong nước là đi ngược lại các quy định về thương mại quốc tế.

Trong trường hợp đối thoại song phương thất bại, vấn đề này sẽ được đưa ra ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO. Quá trình giải quyết sẽ mất tới hai năm theo cơ chế của WTO.

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Quốc thổ, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản Keiichi Ishii nêu rõ Tokyo đã bày tỏ quan ngại với phía Seoul, song Hàn Quốc đã không có động thái nào để thay đổi tình hình.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phản ứng trước động thái trên, Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc đã phản bác rằng sự hỗ trợ này được thực hiện dựa trên các dự báo về thương mại và phù hợp với quy định quốc tế.

Các ban ngành liên quan của Hàn Quốc sẽ tiến hành thảo luận để đánh giá xem những vấn đề mà phía Nhật Bản nêu ra có đúng với mục đích và quy định trong Luật Thương mại hay không. Trong thời gian tới, Seoul sẽ yêu cầu Tokyo thảo luận song phương, sẵn sàng đối phó với khả năng nước này khởi kiện.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã nêu vấn đề này lên WTO, cho rằng việc Hàn Quốc hỗ trợ tái cơ cấu ngành đóng tàu là vi phạm "Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng" của WTO, đồng thời đề nghị thảo luận song phương dựa theo quy trình giải quyết tranh chấp.

Phía Nhật Bản cho rằng sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc đã giúp các doanh nghiệp đóng tàu có thực lực kém trúng thầu với mức giá thấp, gây thiệt hại nghiêm trọng tới ngành đóng tàu của Nhật Bản. Theo Tokyo, phương án hỗ trợ bình thường hóa hoạt động kinh doanh mà Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) và Tổng Công ty bảo hiểm thương mại Hàn Quốc tiến hành với Công ty Đóng tàu và hải dương Daewoo và phương án tái cơ cấu công ty đóng tàu STX, Sungdong, là vi phạm Hiệp định của WTO.

Trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ngành đóng tàu của Nhật Bản là một trong những ngành lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ngôi vị của Nhật Bản đã bị lung lay nghiêm trọng kể từ thập niên đầu của thế kỷ 21 trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Với tỷ lệ trúng thầu hợp đồng đóng tàu của các doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm tới 45% tổng đơn hàng trên toàn thế giới, Hàn Quốc đã giành lại ngôi vị số 1 về đơn hàng đóng tàu trên thế giới sau 7 năm, sau khi phải nhường vị trí này cho Trung Quốc năm 2011.

Ba hãng đóng tàu lớn của Hàn Quốc đã trúng thầu 39 trên 44 đơn hàng đóng tàu chở khí đốt hoá lỏng (LNG) trên toàn thế giới. Theo đó, tổng số đơn hàng đóng tàu mà các doanh nghiệp Hàn Quốc trúng thầu trong năm nay là 44 chiếc, cao hơn nhiều so với con số 17 chiếc trong năm ngoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục