Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai 17,3 tỷ USD

08:36' - 09/09/2021
BNEWS Bộ Tài chính Nhật Bản vừa công bố báo cáo cho thấy nước này ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai 1.910 tỷ yen (17,3 tỷ USD) vào tháng 7/2021, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trên nhờ hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ đều đi lên, khi nhu cầu thế giới tiếp tục phục hồi sau đợt suy giảm vì đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng dù ghi nhận thặng dư 85 tháng liên tiếp, mức thặng dư của Nhật Bản vẫn thấp hơn con số ghi nhận hồi tháng 7/2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Trong các thành phần quan trọng, thương mại hàng hóa đạt thặng dư 622,3 tỷ yen, tăng gấp 4,1 lần so với cũng kỳ một năm trước đó nhờ giá trị xuất khẩu tăng cao hơn giá trị nhập khẩu.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vào tháng Bảy tăng 37,5% lên 7.220 tỷ yen nhờ số lô hàng ô tô, sắt thép và phụ tùng ô tô đều tăng.

Trong cùng giai đoạn, nhập khẩu tăng 29,3% lên 6.600 tỷ yen, chủ yếu do giá trị nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô như dầu thô tăng mạnh.

Thu nhập sơ cấp, phản ánh lợi nhuận từ các khoản đầu tư ra nước ngoài, ghi nhận mức tăng 10,5% và đạt thặng dư 2.100 tỷ yen.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, khoản thu này tăng nhờ khoản chi trả cổ tức mà các công ty Nhật Bản, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô, nhận được từ các công ty con ở nước ngoài trong bối cảnh doanh số bán hàng tiếp tục khởi sắc.

Nhật Bản cũng ghi nhận mức thặng dư 22,3 tỷ yen trong hoạt động du lịch, tăng từ mức 21,1 tỷ yen ghi nhận hồi tháng Bảy năm trước.

Một phần đóng góp cho mức tăng thặng dư là do số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản gia tăng, bao gồm cả nhóm tham gia Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 từ ngày 23/7 đến ngày 8/8.

Thế vận hội năm nay không cho phép khán giả đến sân trực tiếp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, cán cân dịch vụ thâm hụt 584,9 tỷ yen, lớn hơn mức 415,8 tỷ yen ghi nhận hồi tháng 7/2020.

Mức thâm hụt trên một phần do các công ty tăng cường chi tiêu cho phần mềm và dịch vụ do các nhà phát triển ở nước ngoài cung cấp, nhằm tăng cường bảo mật mạng khi nhiều lao động phải làm việc từ xa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục