Nhật Bản: Khoảng 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản vì COVID-19

14:20' - 03/02/2021
BNEWS Theo công ty khảo sát Tokyo Shoko Research (Nhật Bản), dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong gần 1 năm qua, có khoảng 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật phải tuyên bố phá sản.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chiếm số đông trong các doanh nghiệp bị phá sản là các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ ăn uống (182 trường hợp), may mặc (91 trường hợp), xây dựng (83 trường hợp), khách sạn (62 trường hợp).

Phần lớn các doanh nghiệp phá sản tập trung tại Tokyo (247 trường hợp), Osaka (94 trường hợp), tỉnh Kanagawa (55 trường hợp) và hơn 1 nửa số vụ phá sản nằm ở các doanh ng hiệp có khoản nợ dưới 100 triệu yen.

Báo cáo của Tokyo Shoko Research cho biết, thời điểm xác nhận doanh nghiệp đầu tiên tại Nhật Bản bị phá sản do đại dịch COVID-19 là tháng 2/2020.

Để phòng chống dịch COVID-19, các biện pháp của Chính phủ Nhật Bản đưa ra như yêu cầu người dân hạn chế đi lại khi không thực sự cần thiết, rút ngắn thời gian kinh doanh của các cửa hàng trong thời gian dài đã khiến doanh thu của các doanh nghiệp không thể hồi phục và nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng.

Báo cáo cũng đưa ra dự báo rằng với việc Chính phủ Nhật Bản quyết định kéo dài thời hạn ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 9 thành phố khác trên toàn quốc thêm 1 tháng nữa, đến ngày 7/3/2021, số vụ phá sản trong thời gian tới sẽ có thể tiếp tục tăng.

Trước việc nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do kéo dài tình trạng khẩn cấp, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tăng khoản tiền hỗ trợ một lần đối với các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho cửa hàng ăn uống đáp ứng các yêu cầu của chính phủ về việc rút ngắn thời gian kinh doanh để hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Mức hỗ trợ tối đa dự kiến sẽ rơi vào 1,8 triệu yen/cửa hàng.

Đối với các doanh nghiệp quy mô trung bình, vừa, nhỏ có giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các cửa hàng ăn, Chính phủ Nhật Bản sẽ nâng mức hỗ trợ một lần cho các doanh nghiệp này từ mức tối đa 400.000 yen lên mức 600.000 yen.

Đối với hộ kinh doanh cá nhân, khoản tiền hỗ trợ cũng được nâng từ mức tối đa 200.000 yen lên mức 300.000 yen. Nguồn kinh phí để thực hiện chính sách này sẽ được lấy từ khoản ngân sách dự phòng hiện vẫn còn khoảng 3.800 tỉ yen chưa dùng đến.

Phát biểu trong buổi họp báo tối ngày 2/2, Thủ tướng Suga Yoshihide cũng cho biết sẽ nghiên cứu biện pháp hỗ trợ đối với người lao động không chính quy tại các doanh nghiệp lớn.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh gói chính sách “hỗ trợ nghỉ việc” chỉ được áp dụng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp vừa, nhỏ và người lao động tại các doanh nghiệp lớn không được thụ hưởng.

Ông Suga khẳng định sẽ hỗ trợ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn bằng mạng lưới chính sách hỗ trợ an toàn, nhiều lớp.

Bên cạnh đó, chính sách đặc biệt quy định về khoản kinh phí hỗ trợ việc làm giúp các doanh nghiệp duy trì nguồn lao động được Chính phủ Nhật Bản kéo dài thời hạn triển khai đến thời điểm kết thúc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp hiện nay.

Tuy nhiên, nguồn ngân sách dự phòng được sử dụng để triển khai các chính sách hỗ trợ dần cạn kiệt và có thể trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải nghiên cứu kinh phí từ nguồn ngân sách khác.

Theo ước tính của công ty chứng khoán Daiwa, việc Chính phủ Nhật Bản kéo dài lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 10 thành phố khác sẽ khiến tiêu dùng cá nhân của Nhật Bản trong kỳ tháng 1-3/2021 mất đi khoảng 500 tỉ yen.

Áp lực về tài chính để hỗ trợ nền kinh tế sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với Chính phủ Nhật Bản sẽ ngày càng tăng lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục