Nhật Bản thúc đẩy phát hành “hộ chiếu vaccine” dành cho thương nhân

05:30' - 15/06/2021
BNEWS Nhật Bản dự kiến trong giai đoạn đầu sẽ phát hành chứng nhận tiêm vaccine cho những người đi nước ngoài vào mùa Hè năm nay nhằm thúc đẩy hoạt động đi lại vì mục đích kinh doanh.
Theo báo Nikkei Nhật Bản, xu hướng cấp và sử dụng chứng chỉ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 (hay còn gọi là "hộ chiếu vaccine") đã lan rộng khắp thế giới. Cơ chế này được đặt ra nhằm mục tiêu giảm nguy cơ lây nhiễm vừa bình thường hóa hoạt động kinh tế và được các doanh nghiệp đặt kỳ vọng cao. 

Nhật Bản dự kiến trong giai đoạn đầu sẽ phát hành chứng nhận tiêm vaccine cho những người đi nước ngoài vào mùa Hè năm nay nhằm thúc đẩy hoạt động đi lại vì mục đích kinh doanh. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định triển khai “hộ chiếu vaccine” kể từ tháng Bảy nhằm dỡ bỏ lệnh cấm đi lại trong nội khối.

"Hộ chiếu vaccine" ngừa COVID-19 dành cho thương nhân hiện được nhóm làm việc liên bộ do chánh văn phòng nội các Nhật Bản Kato Katsunobu đứng đầu khẩn trương thảo luận. Dự kiến giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể được cấp chính thức vào mùa Hè. Phương án số hóa thông qua một phần mềm điện thoại trong năm 2021 cũng được tính đến.

Cơ sở để triển khai "hộ chiếu vaccine" tại Nhật Bản là sự gia tăng về số lượng vaccine phân phối của hãng Pfizer và Moderna. Sau khi tiến hành tiêm chủng cho đối tượng là nhân viên y tế và người cao tuổi, kể từ ngày 21/6, vaccine ngừa COVID-19 sẽ được triển khai tới các cơ sở tiêm chủng cho đối tượng khác. 

Một số chuyên gia tại Nhật Bản đánh giá rằng, nếu giảm thiểu nguy cơ từ cả hai phía là người nhập cảnh và quốc gia tiếp nhận thì khả năng rào cản đối với các cuộc đàm phán kinh doanh ở nước ngoài sẽ được dỡ bỏ.

Giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ do chính quyền địa phương, nơi có trách nhiệm tiến hành tiêm chủng và quản lý thông tin cá nhân của người dân, cung cấp. Chứng nhận này bao gồm các thông tin về họ tên người được tiêm, số lần tiêm, loại vaccine. 

Định hướng của Chính phủ Nhật Bản là quản lý thống nhất và tích hợp thông qua hệ thống ghi nhận lịch sử tiêm chủng vaccine quốc gia (VRS) để đảm bảo độ chính xác và tin cậy. Giấy chứng nhận tiêm chủng có thể được sử dụng khi lên máy bay hoặc khi làm thủ tục nhập cảnh và có thể được áp dụng với những người Nhật Bản có ý định ra nước ngoài vì mục đích kinh doanh, du học, hoặc những người nước ngoài sống tại Nhật Bản có ý định trở về nước.

Chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi kiêm Chủ tịch Hiệp hội thương mại Nhật Bản Ken Kobayashi cho rằng, xét từ quan điểm của những người kinh doanh, việc có thể đi lại một cách tự do bằng hộ chiếu vaccine là điều lý tưởng. Tập đoàn HIS cũng cho rằng việc cách ly 14 ngày sau khi trở về nước là trở ngại lớn nhất đối với hoạt động du lịch nước ngoài và hộ chiếu vaccine được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt để nới lỏng các trở ngại này.

Mô hình được Chính phủ Nhật Bản tham khảo là Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 mà EU sẽ áp dụng kể từ tháng Bảy năm nay. Hiện đã có 7 nước, trong đó có Đức, triển khai trước chứng nhận kỹ thuật số cho phép những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và những người phục hồi sau khi nhiễm bệnh được miễn xét nghiệm và tự cách ly. 

Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Didier Reynders đã nhấn mạnh lợi ích của hộ chiếu vaccine là "phục hồi hoạt động đi lại một cách tự do và an toàn". Trước đó vào ngày 31/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã khuyến nghị các quốc gia thành viên nới lỏng hạn chế đối với việc đi lại, trong đó lưu ý đến việc sử dụng các chứng nhận. EU cũng chủ trương cho phép những người từ bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản đã tiêm chủng các loại vaccine ngừa COVID-19 được EU cấp phép sử dụng, được phép nhập cảnh.

Trước xu hướng triển khai "hộ chiếu vaccine" ngừa COVID-19 lan rộng trên thế giới, cũng có ý kiến quan ngại về sự phân biệt đối xử với những người chưa tiêm chủng khi đây là hoạt động hoàn toàn tự nguyện. Dư luận phản đối tại Mỹ cũng khác nhau tùy theo từng bang. Một trong những bang đi đầu trong việc áp dụng chứng nhận tiêm chủng vaccine là New York. Bang này triển khai phần mềm hiển thị lịch sử tiêm chủng là Excelsior Pass kể từ tháng 3/2021 và hiện số lượng chứng chỉ phát hành đã hơn 1 triệu. 

Ở chiều ngược lại, bang Georgia đã ra lệnh cấm cấp chứng nhận tiêm chủng. Giải thích về quyết định trên, bang này nhấn mạnh “tiêm chủng là quyết định mang tính cá nhân” và bang vẫn khuyến khích duy trì công tác tiêm chủng. Dữ liệu tiêm chủng do bang quản lý sẽ không được cung cấp cho các doanh nghiệp tư nhân. Theo truyền thông Mỹ, có khoảng 10 bang đã ban hành lệnh hạn chế hoặc lệnh cấm liên quan đến chứng chỉ vaccine.

Nhật Bản đang tiến hành các bước thảo luận thận trọng về việc áp dụng chứng chỉ vaccine trong nước. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc xây dựng một hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc nhằm hạn chế nguy cơ các địa phương và các doanh nghiệp tự ban hành quy định riêng khiến tình hình rơi vào hỗn loạn.

Việc triển khai chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cần có sự hợp tác quốc tế. Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khẳng định sự cần thiết của hộ chiếu vaccine tại cuộc họp của các bộ trưởng y tế được tổ chức ở Oxford, miền Nam nước Anh vào ngày 3-4/6. Trong thời gian tới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ là cơ quan đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thúc đẩy xây dựng một cơ chế mang tính quốc tế mà các nước có thể chấp thuận giấy chứng nhận vaccine của nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục