Nhật Bản: Tường chắn sóng có tác dụng thế nào trước thảm họa sóng thần?

20:03' - 10/03/2021
BNEWS Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các vùng ven biển trong khu vực xem xét xây dựng hoặc xây dựng lại các bức tường chắn sóng, đồng thời thiết lập một quỹ đặc biệt trị giá 1.300 tỷ yen.

Thị trấn Taro của Nhật Bản vốn nổi tiếng với những bức tường chắn sóng kiên cố, được tin là có thể bảo vệ thị trấn này trước mọi cơn cuồng nộ của đại dương. Thế nhưng thảm họa sóng thần năm 2011 vẫn hủy diệt hoàn toàn công trình này.

Bà Kumiko Motoda - một hướng dẫn viên du lịch 63 tuổi cho biết: "Chính quyền thị trấn Taro (ở thời điểm trước năm 2011) đã xây dựng một thị trấn hoàn hảo để có thể đương đầu với các rủi ro thiên tai". Từ năm 1934, thị trấn đã quyết tâm xây dựng các bức tường chắn sóng sau khi bị sóng thần nhấn chìm trong các năm 1896 và 1933.

Bức tường cao 10 mét, trải dài 2,4 km là một trong tập hợp những bức tường chắn sóng được gọi với cái tên chung là "Vạn Lý Trường Thành". Đi kèm với bức tường này là 44 tuyến đường sơ tán sóng thần, được trang bị các tấm pin Mặt Trời để giữ cho đèn chiếu sáng. Theo bà Motoda, những tuyến đường này được thiết kế có tầm nhìn thoáng đối với người đang gấp rút sơ tán và cư dân có thể đến được nơi an toàn trong vòng chưa đầy 10 phút.

Trước năm 2011, người dân ở Taro cho rằng bức tường chắn sóng của họ sẽ đương đầu được mọi phép thử nghiệt ngã của thiên nhiên. Tuy nhiên, con sóng cao 16 mét sau trận động đất có cường độ 9,0 ngày 11/3/2011 đã nhanh chóng phá hủy một phần "tấm khiên" vốn được xem là tốt nhất này, cuốn trôi nhiều nhà ở và ô tô. Trên khắp thị trấn Taro, 140 cư dân đã thiệt mạng, trong khi 41 người vẫn đang ghi nhận trạng thái mất tích do không tìm được thi thể sau cơn sóng thần.

Một thập kỷ sau khi xảy ra thảm họa kép động đất-sóng thần tại tỉnh Fukushima - một trong những trận thiên tai tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, nhiều thị trấn duyên hải đã rút ra bài học xương máu, đó là cần xây dựng những bức tường chắn sóng cao hơn.

Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các vùng ven biển trong khu vực xem xét xây dựng hoặc xây dựng lại các bức tường chắn sóng, đồng thời thiết lập một quỹ đặc biệt trị giá 1.300 tỷ yen (tương đương 12 tỷ USD) cho công tác này.

Điều này có thể nhận thấy rõ thông qua một công trình bê tông chạy dài 430 km với những bức tường chạy dọc theo bờ biển phía Đông Bắc của Nhật Bản. Những cấu trúc chắn sóng đã định hình lại cảnh quan ven biển. Ở Taro, những bức tường hiện cao tới 14,7 mét và chạy dài hơn hai km.

Từ chân tường, người dân địa phương phải ngửa cổ mới có thể nhìn thấy phần cao nhất của bức tường này. Để có thể nhìn thấy đại dương, họ phải leo hơn 30 bậc thang lên một cầu thang đặc biệt mà họ hay gọi đùa là "những nấc thang lên trời".

Theo giới chuyên gia, những bức tường chắn sóng này đặc biệt cần thiết vì chúng có thể bảo vệ người dân trước sức mạnh của sóng thần, làm giảm thiệt hại của sóng thần và giúp "câu giờ" để người dân sơ tán.

Ông Tomoya Shibayama - một giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường thuộc trường Đại học Waseda - cho biết: "Đã có rất nhiều thời khắc (trong năm 2011) mà khoảng thời gian một vài phút có thể quyết định liệu mọi người có thể sơ tán hoặc bị sóng thần cuốn đi".

Những bức tường chắn sóng hiện nay có chân tường rộng hơn và được xây dựng kiên cố hơn nhiều so với trước đây để chúng có thể trụ vững trước lực đẩy của sóng dữ. Độ cao của tường chắn sóng cũng đã được điều chỉnh dựa trên những phân tích và dự đoán dựa trên độ cao của những con sóng thần cao nhất từng xảy ra trong một thế kỷ trở lại đây.

Bên cạnh đó, một số bài học khác cũng được rút ra, trong đó hệ thống cảnh báo được nâng cấp hay dựa trên mô phỏng máy tính để lập bản đồ các tuyến đường sơ tán và tái định cư của cộng đồng. Theo ông Shibayama, trong bối cảnh những bức tường chắn sóng không đủ mạnh để ngăn cản mọi cơn sóng thần, những biện pháp dự phòng này luôn thực sự cần thiết.

Giáo sư Shibayama nêu rõ: "Nhật Bản là một quần đảo thường xuyên hứng chịu thiên tai. Luôn có nguy cơ xảy ra thiên tai, ngay cả khi các cộng đồng dân cư đã di chuyển chỗ ở. Trên thực tế, đã có những người không sơ tán (trong năm 2011) vì nghĩ rằng sóng thần sẽ không thể tới được chỗ của họ".

  Trong năm 2011, những cảnh báo ban đầu chỉ dự báo về một con sóng cao 3 mét và sau đó được nâng lên mức 10 mét. Tình trạng mất điện sinh hoạt khiến cảnh báo không tới được toàn bộ cư dân. Một trận động đất lớn xảy ra trước đó hai ngày cũng chỉ tạo nên một đợt sóng nhỏ - điều này khiến mọi người có vẻ lơ là hơn và mất cảnh giác.

Bà Motada nêu rõ: "Các bức tường chắn sóng được dựng lên là để 'câu giờ' cho mọi người sơ tán, chứ không thể ngăn cản sóng thần". Bản thân mẹ của bà Motoda cũng là một nạn nhân mất tích sau trận sóng thần năm 2011. Ngoài những lý do kể trên, bà còn tin rằng những bức tường chắn sóng được dựng lên vì một nhiệm vụ sâu sắc khác, đó là giữ cho mọi người không bị cuốn trôi ra biển. Bà chia sẻ: "Tôi luôn tin rằng mẹ sẽ trở về nhà nếu những bức tường chắn sóng đó không bị phá hủy”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục