Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong cam kết hợp tác y tế và kinh tế

20:00' - 09/07/2020
BNEWS Ngày 9/7, Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng sông Mekong (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan) đã cam kết hợp tác để cải thiện hệ thống chăm sóc y tế và đối phó với dịch COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản lần thứ 13 được tổ chức trực tuyến, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và những người đồng cấp của 5 nước trên khẳng định việc thực hiện Chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) cùng với việc phòng ngừa, phát hiện và ứng phó hiệu quả hơn với các tình huống khẩn cấp về y tế đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của con người, đặc biệt là việc ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Tuyên bố cũng cho biết UHC đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế mà không gặp khó khăn về tài chính.

Cũng tại hội nghị trên, 5 nước tiểu vùng sông Mekong đã đánh giá cao việc Nhật Bản cung cấp các thiết bị y tế và hỗ trợ kỹ thuật trị giá hơn 100 triệu USD thông qua các khoản trợ cấp và đóng góp cho các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, các nước tham dự hội nghị cũng nhất trí cùng tái khởi động các hoạt động kinh tế trong một thế giới thời hậu COVID-19 bằng cách thiết lập các chuỗi cung ứng khu vực ổn định và lâu dài cũng như thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do như Hiệp địch Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Nhật Bản lần thứ 13 dự kiến sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 9/7 dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Motegi và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh với trọng tâm thảo luận là sự hợp tác giữa Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng sông Mekong trong lĩnh vực y tế như một cách để chuẩn bị cho tương lai, trong đó có các vấn đề liên quan tới các bệnh truyền nhiễm và việc tăng cường quan hệ kinh tế Nhật Bản-Mekong sau khi dịch COVID-19 được khống chế.

Theo bộ trên, Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng sông Mekong đang nỗ lực cùng nhau hướng tới ba mục tiêu gồm Hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG); Xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở; và Phối hợp với Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady–Chao Phraya–Mekong (ACMECS) trên cơ sở 3 trụ cột của Chiến lược Tokyo 2018 về Hợp tác Mekong-Nhật Bản đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản ở Tokyo hồi năm 2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục