Nhật Bản vật lộn với lạm phát tăng cao

09:42' - 25/08/2024
BNEWS Tỷ lệ lạm phát đã duy trì ở mức hoặc trên mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) kể từ tháng 4/2022. CPI lõi, loại bỏ cả năng lượng và thực phẩm tươi sống, đã tăng 1,9%.

Dữ liệu của Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố cho thấy giá tiêu dùng (CPI) lõi của nước này trong tháng 7/2024 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời ghi nhận tháng tăng thứ ba liên tiếp do chi phí năng lượng tăng lên sau khi chính phủ chấm dứt trợ cấp.

 

Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng lõi toàn quốc, không tính thực phẩm tươi sống biến động, “nối dài” mức tăng 2,6% hồi tháng 6/2024.

Tỷ lệ lạm phát đã duy trì ở mức hoặc trên mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) kể từ tháng 4/2022. CPI lõi, loại bỏ cả năng lượng và thực phẩm tươi sống, đã tăng 1,9%.

Kết quả này nêu bật tình hình lạm phát đang diễn ra, mà đã gây sức ép lên các hộ gia đình Nhật Bản. Đồng yen suy yếu cũng đã đẩy giá nhập khẩu từ thực phẩm đến năng lượng tăng.

Giá năng lượng đã tăng 12%, so với mức tăng 7,7% trong tháng trước do các biện pháp hỗ trợ một phần chi phí năng lượng tăng của chính phủ kết thúc vào tháng 6/2024.

Giá điện đã tăng 22,3%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981 khi cú sốc dầu đẩy giá nhiên liệu tăng lên. Giá khí đốt tăng 10,8%.

Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tạm thời khôi phục trợ cấp năng lượng từ tháng 9/2024.

Trong số các mặt hàng chính, giá thực phẩm tăng 2,6%, tăng chậm lại so với mức tăng 2,8% của tháng trước đó mà bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá sản phẩm bánh mỳ.

Giá gạo tăng 18%, mức tăng lớn nhất trong 20 năm, do nguồn cung giảm sau mùa Hè nắng nóng năm 2023. Gạo là lương thực chính của Nhật Bản.

Giá hàng hóa tiêu dùng bền vững đã tăng 5,2% do nhu cầu điều hòa không khí tăng cao trong bối cảnh nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng.

Các chuyên gia cho hay xu hướng tăng giá sẽ giúp củng cố quyết định của BoJ, sau khi ngân hàng này công bố đợt tăng lãi suất thứ hai trong bốn tháng vào tháng 7/2024 và đang tìm cách thắt chặt tiền tệ hơn nữa.

Chiến lược gia Shingo Ide tại Viện Nghiên cứu NLI, cho biết điều này chắc chắn sẽ là một yếu tố để BoJ cân nhắc việc quyết định tăng lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay.

Theo ông, BoJ có thể đang chờ đợi thị trường tài chính lấy lại bình tĩnh, liên quan đến biến động gần đây trên thị trường chứng khoán và tiền tệ sau khi BoJ bất ngờ tăng lãi suất trong tháng 7/2024.

Theo khảo sát hàng tháng của Reuters Tankan được công bố ngày 14/8, các nhà chế tạo Nhật Bản giảm niềm tin vào các điều kiện kinh doanh trong tháng 8/2024 và niềm tin của lĩnh vực dịch vụ tiếp tục giảm, khi nhu cầu của Trung Quốc yếu.

Kết quả khảo sát được công bố sau khi BoJ nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm và công bố kế hoạch chi tiết về việc giảm tốc độ mua trái phiếu.

Chỉ số niềm tin của các nhà chế tạo giảm xuống mức +10 điểm trong tháng 8/2024, giảm một điểm so với tháng 7/2024. Các nhà chế tạo nhận định chỉ số này sẽ tiếp tục giảm xuống +5 điểm trong ba tháng tới.

Các nhà chế tạo trong nhiều lĩnh vực như hóa chất, thép và thiết bị điện tử đều cho biết nhu cầu của Trung Quốc yếu ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh của họ.

Theo khảo sát, lạm phát tăng và thị trường biến động cũng là những yếu tố gây quan ngại. Theo nhà quản lý tại một công ty sản xuất cao su, các yếu tố không chắc chắn như giá nguyên liệu thô và tỷ giá đang gia tăng.

Khảo sát của Reuters được tiến hành từ ngày 31/7 đến ngày 9/8, giai đoạn thị trường chứng khoán Nhật Bản lao dốc, với mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ đợt bán tháo vào năm 1987, sau khi số liệu việc làm của Mỹ yếu gây lo ngại về suy thoái và đồng yen tăng giá mạnh so với đồng USD, khi các nhà đầu tư rút khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất.

Chỉ số niềm tin lĩnh vực dịch vụ giảm tháng thứ hai liên tiếp, xuống +24 điểm trong tháng 8/2024, so với mức +26 điểm trong tháng 7/2024. Các nhà cung cấp dịch vụ nhận định chỉ số này sẽ tăng lên +26 điểm vào tháng 11/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục