Nhật Bản: Yêu cầu ngân sách cho tài khóa 2023 cao thứ hai trong lịch sử

17:19' - 05/09/2022
BNEWS Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, yêu cầu ngân sách từ các bộ và cơ quan cho tài khóa 2023 (bắt đầu vào tháng 4 tới) đã lên đến 110.050 tỷ yen (khoảng 784 tỷ USD), mức cao thứ hai trong lịch sử.

Ngày 5/9, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết yêu cầu ngân sách từ các bộ và cơ quan nước này cho tài khóa 2023 (bắt đầu vào tháng 4 tới) đã lên đến 110.050 tỷ yen (khoảng 784 tỷ USD), mức cao thứ hai trong lịch sử trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng và chi phí an sinh xã hội tăng mạnh.

Như vậy, đề xuất ngân sách chung dựa trên các yêu cầu này cho tài khóa 2023 (từ ngày 1/4/2023 - 31/3/2024) có thể sẽ vượt qua cả ngân sách 107.600 tỷ yên cho tài khóa 2022 hiện tại.

 

Trong đó, yêu cầu ngân sách cho các khoản trả lãi vay và các chi phí trả nợ khác tăng từ 24.340 tỷ yen trong ngân sách ban đầu của tài khóa 2022 lên mức 26.990 tỷ yên trong ngân sách mới. Ngân sách cũng sẽ bao gồm chi tiêu cho các biện pháp hỗ trợ giảm thiểu tác động về kinh tế do lạm phát tăng cao.

Yêu cầu ngân sách lớn nhất đến từ Bộ Y tế Nhật Bản, trong đó cơ quan này yêu cầu 33.260 tỷ yên do chi trả lương hưu và chi phí y tế tăng cao trong bối cảnh xã hội già hóa nhanh chóng.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu mức ngân sách kỷ lục 5.560 tỷ yên, tương đương khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản.

Ngân sách quốc phòng có thể lên tới 6.000 tỷ yên trong bối cảnh chính phủ xem xét củng cố thế trận quốc phòng.

Công tác sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia hiện có và các văn kiện quốc phòng quan trọng dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm.

Để giúp giảm thiểu tác động của việc giá năng lượng và lương thực tăng cao, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Thủ tướng Fumio Kishida đã chỉ thị các quan chức vạch ra các biện pháp bổ sung vào đầu tháng 9 này, cho biết trước tiên ông sẽ tận dụng quỹ dự trữ cho tài khóa hiện tại.

Do tình hình tài khóa của Nhật Bản đang bị đánh giá là tồi tệ nhất trong số các quốc gia phát triển, Bộ Tài chính sẽ nỗ lực hạn chế chi tiêu nhiều nhất có thể để xây dựng bản dự thảo ngân sách vào tháng 12 tới trước khi trình lên Quốc hội xem xét vào đầu năm sau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục