Nhiều bất cập phát sinh trong vận tải đường bộ

16:29' - 30/08/2018
BNEWS Thực trạng quản lý bến xe hiện chỉ đủ để các doanh nghiệp tồn tại chứ không thể phát triển. Riêng quy hoạch bến xe cũng đặt ra nhiều vấn đề đó là bến xe bị đưa ra ngoài thay vì ở trung tâm nội đô.
Hội thảo “Cơ chế quản lý vận tải đường bộ: Dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe”.Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Vận tải đường bộ chưa khi nào phát sinh nhiều bất cập và khó khăn như giai đoạn hiện nay là phản ánh chung của đa số doanh nghiệp đại diện cho các hãng taxi, hợp tác xã vận tải, các doanh nghiệp bến xe… cũng như rất nhiều hiệp hội vận chuyển, vận tải hàng hóa tham dự hội thảo “Cơ chế quản lý vận tải đường bộ: Dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe”. Sự kiện này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức ngày 30/8 tại Hà Nội.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 86), các địa phương đã triển khai và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả góp phần tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải.

Đồng thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu về siết chặt kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, lập lại trật tự trong hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông, cải cách thủ tục hành chính. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện Nghị định 86 cũng bộc lộ một số bất cập và vướng mắc.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Bến xe khách Việt Nam bày tỏ, cơ chế quản lý bến xe cần phải sửa đổi và bổ sung để tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp. Với thực trạng hiện nay chỉ đủ để các doanh nghiệp tồn tại chứ không thể phát triển. Riêng quy hoạch bến xe cũng đặt ra nhiều vấn đề đó là bến xe bị đưa ra ngoài thay vì ở trung tâm nội đô.

Chẳng hạn, như Tp. Hồ Chí Minh đẩy “tít” bến xe ra địa phận giáp Đồng Nai, Bình Dương. Còn Hà Nội, các bến xe phân tán nhiều nơi. Thực tế, các cơ quan quản lý lập luận rằng, việc quy hoạch bến xe ra phía ngoài nội đô là nhằm giảm tình trạng ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông thì trên thực tế chỉ khiến hoạt động vận tải đường bộ trở nên khó khăn hơn rất nhiều đối với người dân và hoạt động kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp cũng bị bó hẹp.

"Nguyên nhân là do hệ thống kết nối hạ tầng giữa khu trung tâm nội đô và các bến xe ở nhiều tỉnh thành trên cả nước còn rất thiếu. Hầu như ở Hà Nội là không có, trong khi Tp. Hồ Chí Minh có thể sắp có hệ thống metro. Đây sẽ là bài toán khó nếu thực sự không tìm hướng đi khác." ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

Thời hạn sử dụng bến xe 20 năm cũng là chuyện bất hợp lý. Bởi, bến xe là hạng mục đầu tư lớn và doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào đây cũng cần thời gian đủ để thu hồi vốn và đạt lợi nhuận hợp lý. Nếu không có sự tính toán, cân đối e rằng việc xã hội hóa và thu hút đầu tư vào phát triển bến xe sẽ hết sức khó khăn.

Đồng tình với quan điểm, đưa các bến xe ra khu ngoại thành không phải giải pháp khả thi, ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên phụ trách công tác khách vận, Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, sẽ là không phù hợp với xu thế phát triển, thậm chí bất hợp lý nếu đưa bến xe ra xa trung tâm. Bởi không chỉ sẽ không giảm được mật độ xe ra vào thành phố mà còn làm tăng đáng kể số lượng các hành trình của hành khách từ trung tâm thành phố tới bến xe và ngược lại. Điều này gây rối loạn trật tự giao thong, tăng yếu tố ùn tắc và tai nạn.

Do đó, về lâu dài Hà Nội về cơ bản nên giữ nguyên vị trí các bến xe hiện nay như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước ngầm,Yên Nghĩa…. Đồng thời, củng cố, mở rộng quy mô bến xe (tăng diện tích, xây cao tầng) và tổ chức lại việc điều hành và quản lý cho hiệu quả hơn.

Bàn về các giải pháp dẹp tình trạng xe dù, bến cóc, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, gần đây tình hình vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô có nhiều diễn biến phức tạp. Tình hình xe dù bến cóc tiếp tục tái diễn nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, dẫn đến phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xu hướng giảm dần, nhiều phương tiện đã chuyển sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp động.

Nhiều đơn vị vận tải đầu tư loại xe Limousine xe cải tạo từ 16 chỗ xuống 10 chỗ, lập các văn phòng trên các tuyến phố kinh doanh vận tải theo hợp đồng nhưng thực chất đây là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải và dư luận xã hội cũng rất bức xúc về tình trạng xe dù bến cóc nhưng thực chất chưa có những giải pháp hữu hiệu để quản lý.

Ông Nguyễn Anh Dũng khuyến cáo, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và không có giải pháp khắc phục, e rằng sẽ trở thành vấn nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải, vận chuyển chân trình; thậm chí là nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông. Nếu các cơ quan ban ngành tổ chức các chiến dịch dẹp xe dù, bến cóc, cần sự quyết liệt và rốt ráo, đừng nên tái diễn kiểu "ném đá ao bèo" hay làm cho có như cách làm trước đây.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp taxi, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh bày tỏ sự bức xúc về tình trạnh cạnh tranh không lành mạnh giữa taxi truyền thống và Grab - mô hình vận tải bằng giải pháp công nghệ.

Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh. Ảhh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Ông Trương Đình Quý cho rằng, định danh Grab, Uber là vận tải hợp đồng điện tử là để lách các điều kiện kinh doanh taxi. Về bản chất kinh doanh thì taxi truyền thống và Grab đều là taxi, cùng kinh doanh trên một thị trường, phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, với 1 dịch vụ nhau nhưng taxi truyền thống đang phải chịu 13 điều kiện kinh doanh khắt khe về cấm đường, phù hiệu, quản lý giá cước, kiểm định đồng hồ, bảo hiểm, giờ chạy xe tối đa, niên hạn xe.... còn Grab - xe hợp đồng điện tử thì không. Đó là điều bất công trong kinh doanh và là sự cạnh tranh không bình đẳng và là điều khiến nhiều doanh nghiệp taxi chuyên nghiệp rơi vào khủng hoảng.

Do đó, theo ông Quý, các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải cần nhanh chóng tìm hiểu và nắm bắt cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài đang triển khai tại Việt Nam để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp. Đồng thời, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực được cạnh tranh lành mạnh trên chính thị trường mình.

Ông Quý cũng khuyến nghị, nên khuyến khích khởi nghiệp nhưng không để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp không có cơ hội để trở thành doanh nghiệp lớn. Các đơn vị chức năng cần quyết liệt xử lý kể cả cấm hoạt động đối với các doanh nghiệp vi phạm cho dù đó là doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, cần xây dựng liên kêt giữa các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tận dụng hiệu quả và tối đa những nguồn lực và dữ liệu, thay vì để "rơi" vào các công ty đa quốc gia và để tránh bị bán cho các công ty nước ngoài..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục