Dự thảo Nghị định mới về điều kiện kinh doanh vận tải có gì khác biệt?

11:34' - 21/08/2018
BNEWS Dự thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mới nhất đang được lấy ý kiến với nhiều điểm mới, như bỏ một số quy định, điều kiện về màu sơn, lo go...

Đề xuất các ý kiến cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 21/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện Luật”.

Hội thảo là diễn đàn để các bên liên quan chia sẻ quan điểm, nhận diện vấn đề, từ đó đề xuất các kiến nghị sửa đổi văn bản hoặc tổ chức thực thi, qua đó giúp Chính phủ có quyết định phù hợp về việc ban hành Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong xu hướng kinh doanh cũng sẽ có sự xung đột rất gay gắt giữa mô hình truyền thống và xu hướng kinh doanh mới.

Uber, Grap chỉ là 1 hiện tượng của xu hướng kinh doanh mới, bản chất là chia sẻ nền kinh tế số.

Theo ông Cung, dù muốn hay không sẽ vẫn tồn tại loại hình hoạt động truyền thống này, tuy nhiên, tiềm năng của nền kinh tế số là rất lớn.

“Đừng vì 1 hiện tượng mà ngăn cản những xu hướng kinh doanh mới. Chúng ta không nên sử dụng mô hình truyền thống để cạnh tranh với ngành nghệ kinh doanh áp dụng công nghệ mới. Do đó, các doanh nhân Việt nam, các doanh nghiệp công nghệ cần phát huy những sáng kiến để tạo ra ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật để doanh nghiệp kinh doanh có cách làm mới, phát triển tốc độ nhanh, quy mô lớn, để Việt Nam không phải là con số 0 trên bản đồ thế giới về phát triển trí tuệ nhân tạo”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Cung cũng cho biết, những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích mạnh, có thể phải chịu những rào cản kỹ thuật nào đó, nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phương thức kinh doanh này.

"Lúc này quản lý nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới, chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp", ông Cung chia sẻ và cho rằng quản lý nhà nước cũng phải theo xu hướng bảo vệ, phục vụ tốt người tiêu dùng.

Dự thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mới nhất đang được lấy ý kiến; thực tế đã có nhiều điểm mới, như đã bỏ một số quy định, điều kiện về màu sơn biểu trưng, niêm yết logo, trung tâm điều hành, thiết bị liên lạc, đồng phục...

Mặc dù vậy, theo đại diện CIEM, điều này vẫn là chưa đủ khi vẫn lấy cách thức cũ áp đặt cho phương thức kinh doanh mới để giải quyết bất cập hiện tại.

So sánh Nghị định 86 và Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86: nhìn từ góc độ điều kiện kinh doanh, CIEM cho biết, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là quy định về điều kiện, kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến đỗ xe ô tô…

Tuy nhiên, trong tổng số điều kiện kinh doanh cắt bỏ có 12 điều kiện, thì lại có tới 85 điều kiện kinh doanh bổ xung.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Nghị định 86 cần sửa đổi rất nhiều. Nhưng với việc dự thảo mới của Nghị định đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh hơn so với Nghị định chưa sửa đổi là chưa phù hợp. Như vậy, việc bổ sung thêm điều kiện kinh doanh cần được xem xét lại.

Để đảm bảo tính hợp lý, khả thi của Nghị định 86 sửa đổi, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả cho rằng, cần đổi mới quan niệm về mô hình kinh doanh, thừa nhận thế mạnh của các đơn vị công nghệ là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại để xử lý hệ thống dữ liệu lớn (big data); cần tận dụng thành quả của kinh tế chia sẻ để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.

Bên cạnh đó, cần loại bỏ các điều kiện, thủ tục không cần thiết, tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Góp ý cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014, ông Nguyễn Đình Cung đề xuất, cần chuyển mạnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực này từ tiền kiểm sang hậu kiểm và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.

“Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ xuất hiện và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống.”, ông Cung nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục