Nhiều cầu dân sinh ở miền núi Thừa Thiên - Huế xuống cấp

11:12' - 04/03/2021
BNEWS Nhiều cây cầu dân sinh từ nguồn vốn tài trợ được xây dựng ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế từ năm 2018 đến nay đang bị hư hỏng nặng.

Ngoài nguyên nhân được xác định do mưa lũ lớn trong năm 2020 gây ra, vấn đề sử dụng một mẫu thiết kế chung của dự án này áp dụng cho nhiều vùng địa hình, trên những dòng chảy sông, suối khác nhau đã dẫn đến những bất cập, khiến cho các công trình nhanh bị hư hại, xuống cấp khi có mưa lũ xảy ra. 

Công trình cầu dân sinh Khe Chai bắc qua con suối tại xã Đông Sơn, huyện A Lưới có chiều rộng 3,5m, chiều dài hơn 35m, được khởi công từ giữa năm 2018 và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2019, với tổng mức đầu tư 2,3 tỷ đồng. Dù được đưa vào hoạt động hơn 1 năm và đang trong thời gian bảo hành nhưng sau đợt mưa lũ lớn từ tháng 10/2020, nhiều hạng mục của cầu như tứ nón. Phần đường đầu cầu ở hai phía mố cầu bị sạt lở nghiêm trọng khiến người và phương tiện không thể qua lại.

Cầu dân sinh Khe Chai là công trình nằm trong dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư.

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đăng Bảo, đại diện nhà thầu thi công cầu Khe Chai, những cây cầu được đầu tư từ dự án LRAMP có mẫu thiết kế gần như tương tự nhau, chỉ chiều dài khác nhau.

Vị trí nhà tài trợ yêu cầu xây dựng cầu dân sinh này bên cạnh những cây cầu cũ ở địa phương đang bị xuống cấp, các đập tràn bắc qua sông, suối nhỏ để người dân có thể di chuyển qua lại an toàn bằng những phương tiện thô sơ, nhất là trong mùa mưa bão.

Trong thiết kế, đường dẫn đắp đất vào mố cầu không kiên cố, không có kè phía chân đường, mái đường không được kiên cố hóa, do vậy khi có nước lớn sẽ xoáy mạnh vào thân đường làm trôi nền đất đá. Do nguồn vốn đầu tư của dự án dành cho mỗi cây cầu hạn chế nên ảnh hưởng đến thiết kế của công trình.

Chủ tịch UBND xã Đông Sơn Hồ Văn Tôi cho biết, khi thực hiện dự án xây dựng cầu Khe Chai, chính quyền và người dân địa phương không được mời tham gia đóng góp ý kiến từ việc lựa chọn vị trí xây dựng đến mẫu thiết kế. Hiện nay, dòng chảy của con suối dưới chân cầu Khe Chai cũng đã thay đổi so với ban đầu. 

Bên cạnh đó, khi công trình hoàn thành, địa phương được nhận bàn giao để khai thác sử dụng đã phát sinh nhiều bất cập trong quá trình đi lại của người dân như đoạn đường dẫn vào cầu được làm có độ cong lớn gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa qua lại. Địa phương đã bỏ tạm kinh phí để làm ván gỗ bắc qua đoạn bị sạt lở cho người dân đi lại.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đăng Bảo cho biết, đơn vị thi công cầu Khe Chai theo đúng thiết kế của chủ đầu tư và đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Nguyên nhân của việc hư hỏng được chủ đầu tư khảo sát và xác định là do bão lũ bất thường. Để khắc phục những hư hỏng, đảm bảo khả năng khai thác bền vững của cầu Khe Chai cần phải thiết kế lại mố cầu, phần móng và mái taluy đoạn đường dẫn vào cầu bằng bê tông. Kinh phí sửa chữa ước khoảng 1,2 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý Dự án 4, đại diện chủ đầu tư, đợt mưa lũ cuối năm 2020 làm 3 cây cầu thuộc dự án LRAMP trên địa bàn huyện A Lưới bị hư hỏng gồm cầu Khe Chai, cầu A So 1, cầu A Min. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án 4 đang lên phương án sửa chữa chung cho những cầu, cống thuộc dự án này để trình Tổng cục Đường bộ bố trí kinh phí thực hiện./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục