Nhiều doanh nghiệp Mỹ thận trọng về kịch bản nền kinh tế “hạ cánh mềm”

06:30' - 17/08/2023
BNEWS Các công ty lớn đang chia rẽ về việc liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể kiểm soát lạm phát mà không đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái toàn diện hay không.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo bài viết trên trang mạng Wall Street Journal, các công ty hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng đang lạc quan và cho rằng nếu nền kinh tế có suy thoái thì sẽ chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ.

Trong khi đó, một số công ty quảng cáo, truyền thông và công nghệ cho biết họ đã rơi vào cuộc suy thoái trong vài tháng qua. Còn các công ty bất động sản đang cảm nhận sự khó khăn từ mức lãi suất cao và cung ứng thấp khi doanh số bán nhà vẫn tiếp tục giảm.

Gunther Plosch, Giám đốc Tài chính của chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Wendy, mới đây đã phát biểu trong sự kiện công bố thu nhập của công ty rằng: "Tôi cho rằng kịch bản tệ nhất là chúng ta sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ, thậm chí có thể là suy thoái sẽ không xảy ra". Các lãnh đạo của chuỗi nhà hàng này cho rằng người tiêu dùng tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực, nhưng ông Gunther Plosch đã nhận thấy sự cải thiện về mức thu nhập có thể thúc đẩy chi tiêu của người dân.

Trong khi đó, ông Strauss Zelnick, Giám đốc điều hành của Take-Two Interactive, công ty hoạt động trong lĩnh vực trò chơi điện tử của Mỹ có trụ sở tại thành phố New York, cho biết: "Chúng ta đã ở trong cuộc suy thoái trong phần lớn thời gian của 18 tháng qua". Ông cho biết, thị trường giải trí tại nhà đã gặp khó khăn trong một thời gian dài và bao gồm toàn bộ năm 2022. Mặc dù vậy, tình hình đang có dấu hiệu cải thiện.

Các cuộc thảo luận về nguy cơ suy thoái đã lắng xuống trong đợt báo cáo thu nhập gần đây bởi các dấu hiệu cho thấy Fed đang thành công trong việc kiềm chế lạm phát. Chuỗi tăng lãi suất của Fed thời gian qua đã đẩy chi phí vay mượn lên các mức thường dẫn đến việc các công ty cắt giảm việc làm và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Mặc dù các công ty đã giảm tốc độ tuyển dụng, nhiều công ty đang ưu tiên giữ chân người lao động và có xu hướng tiếp tục chi tiêu.

Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã tăng tốc trong quý II/2023 và lạm phát đã hạ nhiệt. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 10/8, giá tiêu dùng của nước này đã tăng lên vào tháng Bảy, nhưng dữ liệu cho thấy áp lực giá cơ bản vẫn khá nhẹ nhàng.

Phố Wall cho thấy sự tự tin rằng Fed có thể thực hiện một cuộc “hạ cánh mềm” khi các cổ phiếu đã tiếp tục tăng giá. Các ngân hàng lớn cho biết người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn tiếp tục tiêu dùng và vay mượn mặc dù lãi suất đã tăng.

Matt Clark, Giám đốc tài chính của Cheesecake Factory, cho biết doanh số bán của chuỗi nhà hàng này vẫn tiếp tục cải thiện từng quý, nên ông cho rằng người tiêu dùng đang trong tình trạng tốt. Ông phát biểu hồi đầu tháng Tám này rằng: "Các cuộc thảo luận và tin tức trong tháng qua cho thấy nền kinh tế Mỹ đã chuyển từ 'ngày tận thế' sang một cuộc 'hạ cánh mềm'".

Các nhà lãnh đạo của chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh McDonald's cho biết tâm trạng của người tiêu dùng đang cải thiện nhưng vẫn chưa đạt đến mức như năm 2019. Người tiêu dùng đang có xu hướng chọn nơi có giá thành rẻ hơn, thay vì các địa điểm ăn uống chất lượng cao.

Các lãnh đạo của Clorox- nhà sản xuất và tiếp thị toàn cầu của Mỹ về các sản phẩm tiêu dùng và gia dụng- dự đoán một cuộc suy thoái nhẹ đối với nền kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm 2024. Trong một cuộc nói chuyện với các chuyên gia hồi đầu tháng, CEO Clorox, Linda Rendle cho biết, công ty sản xuất than Kingsford và nước sốt Hidden Valley sẽ tăng giá trong nửa cuối năm nay để ứng phó với chi phí sản xuất cao hơn và dự đoán các vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn đối với người tiêu dùng sau đó.

Những bước đi của Fed đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp theo các cách khác nhau, khi người tiêu dùng trở nên kỹ tính hơn về cách chi tiêu.

Giám đốc điều hành CVS, Karen Lynch, cho biết công ty dược phẩm đã thấy một số biến động vào tháng Sáu vừa qua và dấu hiệu của một cuộc suy thoái tiềm năng. Bà cho biết: "Chúng tôi đã thấy một chút giảm sút trong hành vi tiêu dùng”.

Giám đốc điều hành Overstock.com, Jonathan Johnson cho biết, ngành nội thất và đồ gia dụng đã trải qua một cuộc suy thoái thực sự. Ông Jonathan Johnson cho biết: "Vẫn còn một số dư lượng hàng tồn kho ở đó và việc thanh lý vẫn đang diễn ra. Tôi không thể dự đoán chúng ta sẽ thoát khỏi tình hình này nhanh chóng và trở lại bình thường”.

Ngành thời trang đã ở trong tình trạng tương tự trong vài quý qua. Các nhà lãnh đạo của một số công ty thời trang đã nói về việc giải quyết hàng tồn kho và cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng trong một thị trường, nơi mọi công ty đều đang giảm giá sản phẩm để đối phó với tình trạng dư thừa.

Một số công ty quảng cáo và các công ty công nghệ và giải trí khác đã nói rằng họ đã rơi vào một thời kỳ suy thoái kéo dài. Sean Reilly, CEO của Lamar Advertising, nói: "Tôi sẽ không gọi đây là một cuộc suy thoái ở các khu trung tâm. Tôi thậm chí còn không gọi nó là cuộc suy thoái chi tiêu quảng cáo cục bộ. Tôi chỉ gọi đó là một cuộc suy giảm tổng thể". Ông Sean Reilly cho biết, khách hàng của công ty quảng cáo Lamar Advertising có sự do dự hơn khi ký kết hợp đồng mới.

Các công ty bất động sản đang cảm nhận tác động mạnh mẽ của việc tăng lãi suất và đang thận trọng hơn trong việc đưa ra hướng dẫn. Owen Thomas, CEO của công ty bất động sản Boston Properties, cho biết vào đầu tháng này rằng ông hy vọng nền kinh tế vẫn khỏe mạnh với một thị trường lao động mạnh mẽ. Nhưng ông đã chuẩn bị cho công ty một tình huống trong đó các đợt tăng lãi suất của Fed có thể dẫn đến một cuộc suy thoái ngay cuối năm nay.

Barry Sternlicht, CEO của Starwood Property Trust, cho biết vào đầu tháng này rằng ngành bất động sản đã chịu thiệt hại từ các chính sách của Fed. Ông Sternlicht nói: "Chúng tôi rất thận trọng vì chúng tôi biết những gì bạn thấy bên ngoài có vẻ rất vững chắc, nhưng bên trong đó có những vết rạn nứt"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục