Nhiều giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi lợn

12:52' - 06/07/2017
BNEWS Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp giúp ngành chăn nuôi lợn được ổn định và phát triển.
Nhiều giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi lợn. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Trước mắt ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn.

Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi điều chỉnh cơ cấu chất lượng đàn giống lựa chọn, sử dụng các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao, chất lượng thịt tốt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng đưa vào sản xuất, loại thải ngay những con già hoặc kém chất lượng.

Ngành thú y tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, triển khai tốt các kế hoạch truyền thông, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và tổ chức có hiệu quả các đợt tiêm phòng vắc xin thu tiền nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Song song đó, tỉnh tuyên truyền, khuyến cáo cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thức ăn thực hiện điều chỉnh giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi vượt qua khó khăn trước mắt. Xây dựng kế hoạch tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi để xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Về giải pháp lâu dài, Long An rà soát lại quy hoạch vùng chăn nuôi, cơ sở giết mổ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương tham mưu và trình UBND tỉnh phê duyệt. Định hướng trong thời gian tới, khuyến kích phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại tập trung theo quy hoạch vùng chăn nuôi.

Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, cần phải duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống; khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần phải áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến khích chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi tiên tiến theo quy chuẩn VietGAHP trong nông hộ. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi, chăn nuôi kỹ thuật công nghệ cao.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất chăn nuôi theo hình thức liên kết Tổ hợp tác, Hợp tác xã có hiệu quả. Đồng thời, hình thành các mô hình chuỗi liên kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ để khuyến khích người dân tham gia cung ứng các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong những tháng đầu năm 2017, tình hình chăn nuôi lợn cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do giá sản phẩm lợn hơi duy trì ở mức thấp trong thời gian dài (khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg), có nơi xuống thấp 23.000 đồng/kg, giảm khoảng 30 - 35% so với giá bình quân cùng kỳ năm 2016, trong khi đó giá thành sản xuất khoảng 37.000 - 38.000 đồng/kg lợn hơi, trung bình người chăn nuôi lỗ khoảng 10.000 - 13.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi gặp khó khăn chung chưa tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm chăn nuôi, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chủ yếu qua thương lái nên phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục