Nhiều hộ dân chưa tháo dỡ nhà xây dựng trái phép trên đất quốc phòng

07:42' - 06/10/2017
BNEWS Trên khu vực bãi biển Hồng Vàn vẫn còn nhà gỗ của các đơn vị kinh doanh du lịch khác chưa chịu dỡ bỏ.

Dù đã quá thời hạn phải di chuyển nhà xây dựng trái phép trên đất quốc phòng tới 4 ngày nhưng tại bãi biển Hồng Vàn (huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), chị N.T.L, nhân viên của đơn vị kinh doanh du lịch Coto Diamond Sea khẳng định: 4 “lều vịt” (cách gọi của khách du lịch dành cho nhà gỗ) vẫn đón khách bình thường, giá mỗi phòng thuê là 500 nghìn đồng/ngày. Khi được hỏi về thông tin công trình này xây dựng trên đất quốc phòng là vi phạm và phải tháo dỡ, chị L cho biết có nắm được nhưng chưa thấy ai cưỡng chế nên vẫn kinh doanh.

Bốn nhà gỗ này đều gắn biển hiệu “Coto Diamond Sea”, xây dựng theo hướng kiên cố, có đế trụ bê tông cốt thép, lắp ghép bằng khung thép, trong phòng nghỉ có điều hòa và bình nóng lạnh… Trên khu vực bãi biển Hồng Vàn vẫn còn nhà gỗ của các đơn vị kinh doanh du lịch khác chưa chịu dỡ bỏ.

Trước đó, trong chuyến công tác vào tháng 8/2017, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh: Đến 30/9, nếu không giải quyết tình trạng lấn chiếm đất quốc phòng tại bãi biển Hồng Vàn, Lữ đoàn 242 phải chịu trách nhiệm. Nếu đơn vị không xử lý dứt điểm, tỉnh sẽ báo cáo Quân khu 3 (Bộ Quốc phòng) để có biện pháp thu hồi.

Anh Trần Công Định, nhân viên lái xe điện đưa đón khách trên đảo chia sẻ, tháng 10 là cuối mùa du lịch, hiện khách đến Cô Tô và nghỉ ở bãi Hồng Vàn chủ yếu là người nước ngoài. Mặc dù đã có nhiều hộ tháo dỡ các “lều vịt” theo quy định nhưng vẫn còn gần chục lều đang kinh doanh, không khó để thuê phòng.

Ông Hoàng Bá Nam - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô khẳng định, phần đất trên do Tiểu đoàn Bộ đội đảo Cô Tô (thuộc Lữ đoàn 242, Quân khu 3) quản lý. Việc lấn chiếm, xây dựng nhà nghỉ và dịch vụ ăn uống trên phần đất này là trái phép. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Cô Tô đã kết hợp với Lữ đoàn 242 tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các hộ dân dỡ bỏ lều trái phép.

Lý giải về tình trạng vẫn còn nhiều hộ vi phạm, ông Nam cho biết do thời gian qua mưa giông diễn ra thường xuyên trên đảo dẫn đến chậm tiến độ. Bên cạnh đó, ý thức của các hộ dân chưa cao, chưa tự giác. Đối với những hộ dân chưa chấp hành, kiên quyết đến trước ngày 15/10 sẽ tiến hành cưỡng chế, dỡ bỏ hoàn toàn.

Theo ông Hoàng Bá Nam, hiện đang có chuyện chồng lấn giữa các khu vực quy hoạch du lịch với đất quốc phòng. Thời gian tới, UBND huyện sẽ phối hợp với Quân khu 3 điều chỉnh quy hoạch, cắm mốc và bàn giao quỹ đất (phần đất không ảnh hưởng đến quốc phòng) về huyện Cô Tô quản lý, sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội.

Liên quan đến vấn đề phát triển du lịch ở huyện đảo và hỗ trợ các hộ dân sau khi dỡ bỏ lều du lịch, ông Hoàng Bá Nam cho biết, trước mắt huyện có giải pháp hỗ trợ người dân di dời như: những người đầu tư nhà vườn được ưu tiên kinh doanh tại chợ Trung tâm sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng; mở rộng thêm nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm như câu mực, câu cá, làm nghề thủ công mỹ nghệ, lặn biển ngắm san hô... Huyện đang đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng “Làng Du lịch” trải nghiệm để thu hút lao động tại địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục