Nhiều hộ dân trồng gừng ở Ninh Thuận có nguy cơ trắng tay

11:34' - 28/11/2017
BNEWS Nhiều diện tích gừng đang chết dần nhưng người dân cũng không còn cách nào khác ngoài ngồi chờ điện thoại được với người của công ty để đến xử lý.
Cây gừng trồng liên kết với công ty của người dân thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) bị vàng lá, thối củ rồi chết. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Hàng chục hộ nông dân huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đang lo lắng trước nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng vì nhiều diện tích gừng trồng liên kết với Công ty cổ phần Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam (số 27 Phan Đăng Lưu, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị vàng lá, thối củ rồi chết không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, nhân viên kỹ thuật và Giám đốc công ty này nhiều tháng qua mất liên lạc.

Cuối tháng 3/2017, các hộ dân ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam trồng gừng trong bao nilon theo hình thức công ty cung ứng giống gừng, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, sau vài tháng trồng, nhiều bao gừng lá bị héo úa dần, thối củ không rõ nguyên nhân.

Buồn bã đứng trước khu vườn cỏ tốt hơn gừng, bà Nguyễn Thị Lệ Thúy ở khu phố 2, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn cho hay, gia đình bà liên kết với công ty trồng 10.000 bao gừng trên diện tích 2,5 sào. Sau hơn 3 tháng, đến nay có gần 70% diện tích gừng bị chết nhưng không rõ nguyên nhân.

Theo thỏa thuận, hợp đồng có nhân viên kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nhưng hơn một tháng qua, gia đình không liên lạc được với nhân viên kỹ thuật và Giám đốc công ty này. Gừng ngày càng chết úa, bà cũng không còn cách nào để vớt vát vì đã ký các điều khoản hợp đồng với công ty.

Cùng hoàn cảnh với bà Thúy, bà Nguyễn Thị Linh ở khu phố 2, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn bày tỏ, ban đầu người của công ty về địa phương nói rằng trồng gừng có lãi khá nên gia đình bà đi vay ngân hàng 200 triệu đồng và bỏ thêm hơn 200 triệu đồng để ký kết với công ty trồng 20.000 bao gừng.

Tuy nhiên, khi mới xuống giống được một tháng thì gừng bị bệnh, gọi điện tới nhân viên kỹ thuật của công ty để xử lý nhưng người của công ty không biết bệnh gì. Hơn một tháng qua, bà gọi điện tới công ty nhưng không thấy bắt máy nên bà rất lo lắng.

Theo các hộ dân, ban đầu chỉ một vài lá gừng bị vàng nhưng sau đó lan rộng toàn bộ lá rồi lá gãy gục dần, phần củ gừng bắt đầu thối có vết màu nâu. Một số bao gừng xuất hiện lớp nấm màu trắng.

Theo hợp đồng, công ty yêu cầu trồng gừng sạch, người trồng phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chuyên dùng cho cây gừng và tuân thủ quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch do công ty hướng dẫn. Vì vậy, nhiều diện tích gừng đang chết dần nhưng người dân cũng không còn cách nào khác ngoài ngồi chờ điện thoại được với người của công ty để đến xử lý.

Qua tìm hiểu, các hộ dân ở đây tham gia liên kết trồng 120.000 bao gừng với Công ty cổ phần Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam. Hộ ít nhất tham gia trồng 10.000 bao, hộ nhiều nhất trồng 20.000 bao gừng. Theo đơn giá các vật tư gồm giống gừng, phân bón, thuốc trừ sâu, công kỹ thuật, bao ni lon công ty đưa ra là 218 triệu đồng, trước mắt mỗi bên chịu 50% chi phí.

Sau khi ký hợp đồng, hộ nông dân sẽ phải thanh toán trước số tiền 50% là 109 triệu đồng cho công ty bằng cách đặt cọc trước 20 triệu đồng/10.000 bao gừng để công ty cung ứng vật tư ban đầu. Tiếp đó, các hộ dân phải thanh toán tiếp 89 triệu đồng theo từng đợt giao vật tư của công ty; 50% số tiền còn lại, tức 109 triệu đồng sẽ được thanh toán vào cuối vụ khi người dân thu hoạch xong.

Công ty cam kết bao tiêu sản lượng thu hoạch với định mức 25 tấn/10.000 bao với giá bán 18.000 đồng/kg. Trường hợp vượt quá sản lượng 25 tấn, công ty cam kết thu mua toàn bộ sản lượng gừng đã trồng. Nếu không đạt 25 tấn công ty cũng cam kết bù vào sản lượng để đạt sản lượng tối thiểu. Như vậy, sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng sẽ có lãi 232 triệu đồng với 10.000 bao trồng gừng.

Ông Hồ Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn cho biết, bà con sản xuất theo hình thức tự phát, liên kết với công ty không báo cáo qua chính quyền địa phương hay tổ chức hội nên rất khó khăn trong quản lý và hỗ trợ người dân sản xuất. Qua phản ánh của người dân, ngành chức năng sẽ nắm tình hình và có hướng xử lý.

Phóng viên đã nhiều lần liên lạc với đại diện Công ty cổ phần Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam để trao đổi thông tin về tình hình nói trên nhưng không có ai bắt máy. Hiện, người dân trồng gừng đang gặp rất nhiều khó khăn nên ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận cần sớm vào cuộc để làm rõ vấn đề và tìm cách giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người nông dân./.

>>> Trồng nghệ xen canh trong vườn cao su non cho thu nhập cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục