Nông dân bức xúc vì sắn bán cho nhà máy bị ép trừ tạp chất

15:51' - 31/10/2017
BNEWS Những ngày qua, khi cây sắn bước vào vụ thu hoạch, giá sắn liên tục tăng nhẹ giúp người trồng ở tỉnh Kon Tum bớt khó khăn. Tuy nhiên, người dân lại bức xúc vì sắn bán cho nhà máy bị ép trừ tạp chất.

Huyện Sa Thầy là một trong những vùng trọng điểm trồng sắn ở Kon Tum và theo phản ánh của người dân, mỗi xe sắn khi bán thường bị trừ từ 6 - 8% trọng lượng là tạp chất.

Song thực tế cho thấy, việc trừ tạp chất có thể lên đến hàng chục phần trăm khiến người dân thiệt hại nặng nề, nhất là với loại sắn trồng ở vùng bán ngập.

Anh Đồng Đức Khôi, thôn Bình Giang, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho biết: "Theo nguyên tắc của nhà máy, mỗi kg sắn bán cho nhà máy sẽ bị trừ 6% tạp chất là đất (với loại sắn nhỏ), nhưng thực tế tôi bị trừ 13% tạp chất, dù là sắn củ to.

Có trường hợp như anh Hà Minh Yên ở cùng thôn bị trừ tới 50% hay nói khác đi một tấn chỉ còn 5 tạ."

Theo anh Phan Văn Thanh, thôn 2, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, nhà máy trừ tạp chất của dân rất cao mà giá bột lại bị ép rất nhiều.

Cụ thể, nếu trừ cũng trên 10% hoặc nếu gặp mưa bị trừ từ 15 - 16%, dù có rất ít tạp chất.

Hiện nay, hai nhà máy sắn trên địa bàn huyện Sa Thầy trừ tạp chất khác nhau; trong đó sắn được trồng ở vùng bán ngập thì bị trừ nhiều nhất.

Theo lý giải của các nhà máy là do sắn trồng ở vùng đất bán ngập thường đất bám vào củ nhiều, củ nhỏ, lượng tinh bột ít.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các nhà máy chủ yếu dùng cảm quan để trừ tạp chất.

Ông Nghiêm Đức Thuần, Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nông sản Vina cho biết, khi nhập sắn để sản xuất, đơn vị sẽ phân ra hai loại là sắn trên đồi và sắn bán ngập bởi sắn trên đồi có ít tạp chất hơn.

Riêng sắn trồng vùng bán ngập có nhiều tạp chất là cát và bùn nên sẽ phải trừ tỷ lệ phần trăm cát, đất bám củ. Sắn đồi tương đối sạch nên chỉ trừ 6 - 8%, còn sắn vùng bán ngập tỷ lệ trừ có khi lên tới 40 - 50%.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH tinh bột sắn Kon Tum cho biết, theo quy định thì trừ 8%, nhưng với sắn trồng ở vùng bán ngập bị trừ nhiều hơn do lượng đất bám vào củ nhiều, củ nhỏ.

Việc trừ tạp chất đều được tiến hành thông qua biên bản, được người dân chấp nhận trước khi đơn vị thanh toán.

Theo người dân và các lái xe, do nhà máy của Công ty có vị trí giao thông thuận lợi, dọc đường tỉnh lộ, gần thành phố và các huyện Kon Rẫy, Kon Plông nên người dân dù biết bị ép trừ tạp chất nhiều, nhưng vẫn phải bán.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 6 nhà máy sắn đang hoạt động.

Theo tính toán, năm nay sản lượng sắn sẽ không đủ cung cấp cho các nhà máy, thậm chí một số nhà máy ở các tỉnh Bình Định, Gia Lai cũng lên Kon Tum mua nguyên liệu sẽ giúp giá sắn tăng cao.

Tuy nhiên, việc trừ tạp chất nhiều và hơn thế là trừ bằng cảm quan khiến niềm vui của người dân trồng sắn Kon Tum không được trọn vẹn./.

Xem thêm:

>>>Sắn rớt giá, nông dân Phú Yên chuyển sang trồng rừng kinh tế

>>>Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng sắn HL –S11

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục