Nhiều lợi thế cho ngành điều tăng trưởng trong năm 2022

14:11' - 18/02/2022
BNEWS Các chuyên gia ngành chế biến điều nhìn nhận nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này có nhiều lợi thế tăng cao trong thời gian tới.

Dịch COVID-19 trong hơn 1 năm qua đã tác động mạnh đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các ngành nghề và người tiêu dùng thế giới. Tuy nhiên, đối với chế biến và xuất khẩu hạt điều, mức tiêu thụ của người tiêu dùng thế giới không vì dịch bệnh mà chững lại.

Ngược lại, các chuyên gia ngành chế biến điều nhìn nhận, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này có nhiều lợi thế tăng cao trong thời gian tới. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cho ngành điều trong năm 2022 là 3,8 tỷ USD.

* Nhiều lợi thế từ các FTA

Việc các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam  - châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam  - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bắt đầu có hiệu lực trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện và cơ hội cho sản phẩm của Việt Nam tiến vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc,…

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, thị trường nhân hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ đạt tốc độ bình quân 4,6% trong giai đoạn 2021 – 2026. Dự báo thị trường nhân hạt điều thô toàn cầu đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2025. Hiện Việt Nam đang là quốc gia có lượng xuất khẩu nhân hạt điều đứng đầu thế giới.

Năm 2021 được đánh giá là một năm thành công đối với xuất khẩu hạt điều của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 579.800 tấn, trị giá 3,64 tỷ USD, tăng 12,6% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với năm 2020.

Trong năm qua, trị giá xuất khẩu hạt điều sang các thị trường đều tăng mạnh, điển hình như: châu Phi tăng 35%, châu Á tăng 24%. Riêng tại thị trường châu Âu, nhập khẩu hạt điều Việt Nam chiếm 22%, còn tại thị trường Mỹ chiếm 23% lượng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, Việt Nam có thể khai thác lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

Bởi thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ nhân hạt điều nhập khẩu vào châu Âu từ Việt Nam đã giảm về 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trước đó là từ 7 - 12%. Do đó, kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu nhân hạt điều ở thị trường châu Âu còn nhiều dư địa cho năm nay và các năm tới.

Ngoài châu Âu, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc cũng có rất nhiều triển vọng tăng trưởng. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc chiếm khoảng 89% năm 2021. Đáng chú ý, trong vài năm trở lại đây, các loại hạt đã trở thành một thành phần chính trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc.

Thậm chí, để thực hiện chính sách y tế quốc gia, Trung Quốc còn cho ra đời một bản "Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc". Bản hướng dẫn này nhấn mạnh đến việc tiêu thụ các loại hạt hàng ngày.

* Chuẩn bị tốt nguyên liệu cho sản xuất, chế biến

Để có thể đáp ứng được hợp đồng đặt hàng của khách hàng từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, châu Phi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều cần phải chuẩn bị trước tiên là nguồn nguyên liệu để chế biến. Sản lượng hạt điều sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng chưa tới 1/3 công suất chế biến của các nhà máy. Chính vì vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô từ các quốc gia sản xuất hạt điều là tất yếu.

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, mục tiêu xuất khẩu điều đạt 3,8 tỷ USD do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra cho ngành điều Việt Nam trong năm 2022 là cơ sở và động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Đây vừa là động lực, cũng là áp lực vì nguồn nguyên liệu chế biến luôn phải nhập khẩu hơn 2/3 sản lượng phục vụ xuất khẩu.

Hiện cả nước chỉ có hơn 300.000 ha sản xuất hạt điều, sản lượng xấp xỉ 340.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng phục vụ cho chế biến xấp xỉ 1,6 triệu tấn. Chính vì vậy, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều nhập khẩu nguyên liệu từ các nước châu Phi và Campuchia. Hiện nay, lượng nhập khẩu điều thô của Việt Nam đang dần dịch chuyển sang Campuchia để có thêm nhiều lợi thế trong vận chuyển, kể cả chất lượng, chế biến và xuất khẩu.

Ông Đặng Hoàng Giang chia sẻ thêm, trong các địa phương sản xuất hạt điều nguyên liệu, tỉnh Bình Phước có sản lượng cung ứng cho ngành điều lớn nhất, chất lượng đồng đều. Chính vì vậy, để sản xuất, chế biến và xuất khẩu điều bền vững, nhất là thực hiện mục tiêu xuất khẩu 3,8 tỷ USD trong năm 2022, thủ phủ điều Bình Phước có kế hoạch đẩy mạnh các mô hình liên kết hợp tác hiệu quả, bền vững để có ít nhất 50% diện tích điều được sản xuất theo quy trình được chứng nhận.

Thêm vào đó, mỗi huyện có vùng chuyên canh điều phải xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết chuỗi giá trị, mặc dù tỉnh Bình Phước đã xây dựng 10 vùng sản xuất điều với quy mô tối thiểu 300 ha/vùng, 4 vùng chuyên canh lớn và 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho ngành sản xuất nguyên liệu điều thô phục vụ  xuất khẩu.

Theo ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, dịch COVID-19 không thể gây trở ngại cho ngành điều xuất khẩu, bởi người tiêu dùng thế giới vẫn có nhu cầu lớn đối với mặt hàng này.

Điển hình như trong thời gian cả nước ứng phó với dịch bệnh COVID-19, các nhà máy chế biến, xuất khẩu điều vẫn hoạt động bình thường. Cái khó là cung ứng nguyên liệu cho chế biến kịp thời, giữ chân người lao động để có thể sản xuất các đơn hàng đúng thời gian hợp đồng.

Một năm ứng phó dịch bệnh mà ngành điều cũng đã vượt qua khó khăn được thì mục tiêu xuất khẩu trong năm 2022 cũng sẽ hoàn thành khi toàn ngành đồng lòng nỗ lực thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục