Nhiều lực đẩy với bất động sản khu công nghiệp

15:39' - 31/10/2022
BNEWS Trong bối cảnh bất động sản nhà ở có xu hướng chững lại thì bất động sản khu công nghiệp vẫn được cho là sẽ tỏa sáng trong những năm tới.

Giới phân tích đánh giá, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2023 do xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục; các chính sách thu hút FDI cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam.

Có thể kể đến những chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo, và nhiều ưu đãi khác. Nhiều địa phương cải thiện cơ sở hạ tầng trong thời gian tới như các dự án đường vành đai 3 và đường vành đai 4, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Bắc - Nam, cảng Cái Mép Thị Vải và cảng Gemalink sẽ tạo ra kết nối thuận tiện hơn giữa các KCN.

Bên cạnh đó, theo Bộ phận dịch vụ Bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam, nền tảng kinh tế vĩ mô là yếu tố quan trọng, quyết định mức độ hấp dẫn của nền công nghiệp nước nhà đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell  cho biết, bất chấp thách thức đến từ sự suy giảm thương mại toàn cầu, công nghiệp Việt Nam vẫn sở hữu vị thế thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các khu bất động sản công nghiệp vẫn đạt công suất hoạt động cao cùng nhiều dự án mới tiềm năng được triển khai.

Trước nhu cầu thuê ngày càng gia tăng, Chính phủ đã đưa ra những định hướng phát triển và bổ sung nguồn cung bất động sản trên cả nước; trong đó, đã phê duyệt 9 khu công nghiệp mới sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 2023 – 2025 với tổng diện tích 2.472 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 29,4 nghìn tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo năm 2023, lợi nhuận ròng của các Công ty phát triển khu công nghiệp niêm yết dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 18% so với cùng kỳ do tổng diện tích đất cho thuê tăng trưởng 10%/năm; giá thuê đất dự kiến sẽ tăng 8% tại các khu công nghiệp phía Nam Việt Nam và 6% tại các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam vào năm 2023.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (mã chứng khoán: KBC) dự kiến tăng mạnh do các dự án hiện nay tiếp tục là nguồn thu chính của doanh nghiệp này. Bên cạnh giai đoạn 3 của dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ và các khu công nghiệp tại Long An có thể bắt đầu tạo ra thu nhập.

Về vấn đề dòng tiền, hiện Kinh Bắc có khoảng 500 - 600 tỷ đồng nợ trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2022 và 2.900 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, khoản nợ hơn  3.000 tỷ đồng sẽ khiến Kinh Bắc đối mặt với thách thức trong thời gian ngắn hạn. Đặc biệt, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào bất động sản và hoạt động giám sát chặt chẽ đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp như hiện nay.

Chia sẻ với báo giới gần đây, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP, ông Đặng Thành Tâm tỏ rõ sự lạc quan trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản công nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây.

Ông Tâm cho biết, mấy năm trước doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi “hoạn nạn”, nhưng hiện nay doanh nghiệp đã sang trang mới, khi vốn chủ sở hữu cao, vay nợ ngân hàng và trái phiếu không nhiều. Trong khi đó, Kinh Bắc tiếp tục đầu tư rất nhiều vào khu công nghiệp và thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Do đó, các tài sản đảm bảo cũng rất lớn.

Ông Tâm cho rằng, bản chất của trái phiếu là phục vụ mục đích dài hạn, trái phiếu kỳ hạn ngắn khó thu hút nhà đầu tư. Trái phiếu là kênh rất quan trọng với doanh nghiệp, nhưng việc giám sát và xử lý cần công bằng, minh bạch.

Với tình hình hiện tại, dự báo các ngân hàng trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có những lợi thế nhất định khi tăng trưởng cao và lạm phát tăng không nhiều. “Những doanh nghiệp sai phạm do trái phiếu, cơ quan chức năng nên cho thời gian khắc phục, điều quan trọng là thu được lại tiền cho nhà nước và người dân. Cần tạo niềm tin trong giới đầu tư và tránh thất thoát bằng cách kiểm soát và giám sát chặt chẽ”, ông Tâm đề xuất.

Ông Tâm cho rằng nên phát hành trái phiếu kỳ hạn dài vì phần lớn vốn huy động qua kênh trái phiếu là để sử dụng vào mục đích dài hạn, chứ không phải là để phục vụ vốn lưu động. Doanh nghiệp vay ngắn hạn thì vay ngân hàng. Do đó, rất cần xây dựng thị trường trái phiếu lành mạnh, dù để làm được phải mất rất nhiều thời gian và công sức.

“Tôi nghĩ nên phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mục đích sử dụng vốn được nới rộng hơn, giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh”, ông Tâm nói.

Ông Chủ Kinh Bắc cũng chia sẻ, đối với Kinh Bắc, do đất làm khu công nghiệp được mua từ trước khi giá tăng cao, tạo lợi thế cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có lời lớn hơn. Nếu hiện nay mới mua đất thì không được lời nhiều, trong khi có những khu công nghiệp của Kinh Bắc không thể cho thuê giá cao vì là khu công nghiệp công nghệ cao.

Ông Đặng Thành Tâm cũng cho biết, ông thường đặt mục tiêu chiến lược dài hạn và luôn kiên định với mục tiêu đã chọn, để ít nhất doanh nghiệp tồn tại ổn định, bền vững trong khoảng 10 năm.

Thực tế, năm 2022, Đô thị Kinh Bắc (KBC) chốt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế ở mức lần lượt là 9.800 tỷ đồng và 4.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 122% và 372% so với năm trước đó (không thay đổi so với kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ bất thường tổ chức vào tháng 2). Đây là con số tăng trưởng rất cao, nhưng ông Đặng Thành Tâm cho biết, ông tin tưởng năm nay Kinh Bắc sẽ đạt lợi nhuận cao.

Theo lãnh đạo Kinh Bắc, doanh nghiệp hoàn toàn có đủ tự tin để vượt qua khó khăn, vì  lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp là bất động sản khu công nghiệp vẫn có thuận lợi lớn, với nhu cầu tăng cao, không giống như các loại bất động sản khác, chẳng hạn như bất động sản nhà ở đang chững lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục