Nhiều mô hình, dự án sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu

13:04' - 29/09/2023
BNEWS Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi luá gạo an toàn đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao.

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có nhiều mô hình dự án sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu, như mô hình liên kết lúa theo chuỗi giá trị lúa gạo; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; mô hình cánh đồng mẫu ở huyện Tháp Mười; dự án "Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (TRVC)"...

 

Diện tích trồng lúa hàng năm ở tỉnh Đồng Tháp hơn 480 nghìn ha, tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao chiếm 72,9% diện tích; chủ yếu là giống lúa Đài thơm 8, OM 18, OM 4900, OM 5451.

Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu vừa qua đa số áp dụng quy trình sản xuất "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" đạt trên 70% diện tích. Diện tích lúa chất lượng cao được thực hiện mô hình liên kết đều sử dụng giống lúa chất lượng cao để xuất khầu. Diện tích thực hiện liên kết sản xuất lúa 6 tháng đầu năm 2023 ở các huyện, thành phố trong tỉnh là 44.455 ha, sản lượng 309.175 tấn.

Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, nông dân liên kết với Công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Vinarice, Hiếu Nhân, Tân Tiến Phúc, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty ADC, Công ty Quốc Tế Gia, Highlang Dragon....

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi luá gạo an toàn đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao. Từ mô hình liên kết sản xuất lúa, nông dân đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá và điều quan trọng nhất là nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 70.000 ha, đến năm 2030 là 163.000 ha. Riêng vụ Đông Xuân 2023 - 2024, tỉnh Đồng Tháp tham gia Dự án "Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (TRVC)" với tổng diện tích sản xuất lúa là 40.955 ha.

Dự án TRVC tạo ra các chất xúc tác hữu hiệu, mang tính tiên phong để thúc đẩy doanh nghiệp tổ chức vùng nguyên liệu lúa gạo liên kết theo hướng bền vững, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cho khoảng 200.000 nông hộ, đồng thời tạo tiền đề cho việc chứng nhận tín chỉ các-bon, sẵn sàng cho giao dịch khi thị trường tín chỉ các-bon tự nguyện được vận hành thí điểm năm 2025 và chính thức hoạt động từ năm 2028.

Vừa qua ở huyện Tam Nông có mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) sản xuất 50 ha giống Zasmine 85, có liên kết cung cấp vật tư, lúa giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Lộc Trời. Phương thức liên kết khi thu mua mỗi kg lúa đạt tiêu chuẩn SRP theo giá thị trường thì Tập đoàn Lộc Trời cộng thêm 800 đồng cho mỗi kg lúa cho người liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, huyện Tháp Mười, điển hình trong việc ứng dụng hiệu quả Mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0, sử dụng giống lúa chất lượng cao. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II liên kết với Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Cửu Long Seed với diện tích hằng năm trên 1.000 ha; liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam với diện tích trên 900 ha/năm.

Nông dân tham gia sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm được Công ty thu mua cao hơn từ 900 - 1.000 đồng/kg so với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Bên cạnh đó, mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 150 -250 đồng/kg, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân từ 5 - 8 triệu đồng/ha so canh tác bình thường. Ngoài ra, mô hình tạo được vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới thực hiện cánh đồng lớn, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.

Ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười có ông Ngô Thanh Bình tham gia liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam. Ông Bình cho biết, để sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, lúa chất lượng cao, ông được Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch. Từ đó năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, cao hơn 500 kg/ha so với lúa thường, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để có lượng gạo chất lượng xuất khẩu, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, hạt tròn, giống có thời gian sinh tưởng từ 90 - 105 ngày, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh. Đối với khu vực vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình - khá. Đối với vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu tỉnh ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, cơ cấu giống lúa ở tỉnh Đồng Tháp hiện hướng đến nhóm lúa chất lượng cao xuất khẩu. Cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống lúa có chất lượng thấp sang trồng các loại giống lúa có chất lượng cao để phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực, phát triển vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý chặt vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục