Nhiều nước Schengen kêu gọi từ bỏ kiểm soát đường biên giới

06:33' - 28/10/2016
BNEWS Một số nước châu Âu như Đức, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đã áp dụng việc kiểm soát một phần các đường biên giới quốc gia trong nội bộ Schengen, trái với nguyên tắc tự do đi lại của khối này.
Nhiều nước Schengen kêu gọi từ bỏ kiểm soát đường biên giới. Ảnh: Luxembourg - Gouvernement

Báo E15 của CH Czech (Séc) dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Đức, Thomas de Maizière, cho biết, hiện nay sự tự do đi lại trong khu vực Schengen không thể được thực thi như trước mà phải có sự kiểm soát ở mức độ nhất định biên giới của các quốc gia thành viên.

Ông Thomas de Maizière nêu rõ: “Chừng nào mà tất cả các quốc gia thành viên chưa thực hiện nghĩa vụ của mình theo đạo luật về Khu vực Schengen thì chúng ta không thể quay lại hệ thống di chuyển không kiểm soát trong khu vực này”.

Theo ông Thomas de Maizière, chỉ có thể bãi bỏ kiểm soát biên giới bên trong khu vực Schengen một khi việc bảo vệ các đường biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu (EU) được bảo đảm. Đồng thời EU cũng cần chuẩn bị đủ nhà ở cho người tị nạn phù hợp với hiệp định Dublin, theo đó quốc gia đầu tiên mà những người tị nạn đặt chân tới phải có trách nhiệm xem xét đơn của họ.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 25/10 cũng đã khuyến nghị các quốc gia thành viên EU gia hạn kiểm soát biên giới thêm ba tháng nữa. Brussels nêu rõ rằng, cho dù dòng người di cư đã giảm đi nhờ thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, người tị nạn vẫn tiếp tục đổ tới Hy Lạp và các nước châu Âu khác. Với tình hình như hiện nay thì việc bãi bỏ kiểm soát biên giới có thể dẫn tới làn sóng di cư “phái sinh” ngay bên trong EU.

Việc kiểm soát biên giới dự kiến sẽ được bãi bỏ vào tháng 11 năm nay. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tuần trước, không những các nước Bộ Tứ Visegrad gồm CH Czech, Ba Lan, Hungary và Slovakia, mà cả một số quốc gia khác, trong đó có Italy, đã yêu cầu bãi bỏ kiểm soát biên giới.

Người phát ngôn Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) William Spindler cho biết, ít nhất 3.800 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên biển kể từ tháng 1/2016 đến nay. Đây là con số tổng kết cao nhất được ghi nhận từ trước tới nay.

UNHCR còn nhấn mạnh sự chênh lệch giữa số lượng lớn những người chết và mất tích được ghi nhận từ đầu năm tới nay và sự sụt giảm đáng kể số người di cư vượt Địa Trung Hải trong cùng thời gian. Năm ngoái, hơn 1 triệu người đã thử vận may vượt Địa Trung Hải (và 3.771 người trong số họ đã thiệt mạng) trong khi từ tháng 1/2016 đến nay, số người vượt Địa Trung Hải được ghi nhận là 330.000 người./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục