Nhiều sản phẩm mang tính xã hội từ mô hình khởi nghiệp trong thanh niên

08:44' - 10/08/2019
BNEWS Từ năm 2017 đến nay, hàng loạt chương trình, kế hoạch được UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện ý tưởng, lập kế hoạch dự án khởi nghiệp... đã có những mô hình khởi nghiệp hiệu quả cao.
Tỉnh Vĩnh Long tạo điều kiện cho sản phẩm khởi nghiệp kết nối thêm các kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa thông qua các phiên chợ... Ảnh minh họa: TTXVN

Ký kết hợp tác với Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam từ năm 2017, đến nay, hàng loạt chương trình, kế hoạch được UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai nhằm hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện ý tưởng, lập kế hoạch dự án khởi nghiệp... Các mô hình khởi nghiệp trong thanh niên đã tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, mang tính xã hội cao.

Điển hình là các mô hình như: gạo sạch Tâm Việt của Võ Văn Tiếng; tinh dầu của Đoàn Ngọc Minh Thùy; Ngô Chí Công với sản phẩm chế biến từ sen mang tính nghệ thuật, ứng dụng cao trong đời sống... Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản phẩm khởi nghiệp mới được đánh giá là giàu tiềm năng như củ ấu tươi tách vỏ của Nguyễn Anh Thy, khô trâu Quang Hiển của Trương Lê Huy Hoàng, mật ong Hương Tràm của Trần Thành Long,...

Nguyễn Anh Thy cho biết, khởi nghiệp bằng việc  thực hiện dự án củ ấu tươi tách vỏ đã đánh trúng vào nhu cầu khách hàng nên sản phẩm nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận và đạt giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2017. Thay vì một ký ấu tươi chỉ vài ngàn đồng thì sau khi được tách vỏ, giá bán nâng lên từ 45.000 - 60.000 đồng/kg.

Tiếp nhận nguồn vốn 240 triệu đồng từ Đề án quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho thanh niên, anh Nguyễn Hữu Dư ở huyện Lai Vung chia sẻ, thất bại từ cây huệ trắng nhưng nhờ nguồn vốn hỗ trợ này nên anh có thể khôi phục và phát triển lại kinh tế gia đình từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Đến nay, với hơn 4 ha trồng thanh long, mỗi năm, thu nhập của anh Dư ước đạt 1,3 tỷ đồng.

Cùng đó là nhiều dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tiêu biểu như: ứng dụng vi sinh lên men cám gạo dùng cho nông nghiệp của thí sinh Võ Nguyễn Công Sơn đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; Trần Thanh Tiền ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự với mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Israel; Trần Thanh Long đưa mật ong rừng xứ Tràm Chim xuất sang Mỹ; Đoàn Ngọc Minh Thùy đưa tinh dầu Hương Đồng Tháp sang quảng bá trên đất Thái Lan…

Ông Trương Hòa Châu – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, để giúp cho thanh niên tiếp cận tín dụng đối với các dự án khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn kết hợp với Trung ương Đoàn hỗ trợ 1 dự án thanh niên vay vốn sản xuất, kinh doanh; Quỹ Thanh niên khởi nghiệp đã duyệt cho 7 dự án khởi nghiệp vay với số tiền là 770 triệu đồng; Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo đã hỗ trợ cho 102 chị em phụ nữ khởi nghiệp vay vốn với số tiền 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ 2 mô hình phụ nữ khởi nghiệp với số tiền là 520 triệu đồng để trang bị thêm máy móc thiết bị.

Để ghi dấu trên thị trường, vừa qua, các sản phẩm khởi nghiệp trong thanh niên đã được quảng bá dưới nhiều hình thức phong phú. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho sản phẩm khởi nghiệp kết nối thêm các kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa thông qua các phiên chợ nông sản an toàn định kỳ của thành phố Cao Lãnh, Hội chợ hàng Việt về nông thôn, Phiên Chợ Xanh tử tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ Tự hào hàng việt - Nông nghiệp xanh – Khởi nghiệp, Hội chợ Quốc tế về thực phẩm và đồ uống Thaifex 2019 tại Thái Lan...

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Tư vấn khởi nghiệp (Mentor club) đã chính thức ra mắt tạo thêm động lực mạnh mẽ để các Starup bước đi trên con đường khởi nghiệp. Đây chính là nền tảng cho việc hình thành cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương.

Tỉnh Đồng Tháp đã mở nhiều lớp hỗ trợ kiến thức cơ bản cho các dự án, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp như: những vấn đề cơ bản để kinh doanh trên mạng xã hội; thiết kế bao bì, logo cho sản phẩm và doanh nghiệp; phương pháp bảo quản và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; đào tạo đánh giá và triển khai ý tưởng kinh doanh cho 30 ý tưởng, dự án khởi nghiệp trên địa bàn. 

WebsitekKhởi nghiệp và trang fanpage “Đàn Sếu khởi nghiệp” ở Đồng Tháp được cập nhật thông tin thường xuyên và kết nối cộng đồng khởi nghiệp đất Sen hồng; đồng thời, giới thiệu mô hình, dự án khởi nghiệp, tấm gương, câu chuyện khởi nghiệp tiêu biểu; thông tin rộng rãi và kịp thời về các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, kỹ năng, kiến thức về kinh doanh, chương trình xúc tiến thương mại,... Hiện fanpage “Đàn Sếu khởi nghiệp” đã có hơn 10.000 người theo dõi với khoảng 12.000 người tiếp cận bài viết trong trung bình một tuần.

Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định, xây dựng địa phương khởi nghiệp không có nghĩa là Đồng Tháp chạy theo phong trào mà sẽ hướng tới phát triển chiều sâu, căn bản, tạo sự bền vững, khuyến khích sáng tạo phù hợp với thực tế.

Kêu gọi sự hưởng ứng từ cộng đồng, tỉnh Đồng Tháp sẵn sàng hỗ trợ về chính sách, những định hướng mang tầm chiến lược, lâu dài. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, một góc nhìn khác về khởi nghiệp theo hướng liên kết các sức mạnh với nhau cũng là hướng đi thông minh và nhiều khả năng mang lại thành công. Khởi nghiệp ở Đồng Tháp nhằm khai thác thế mạnh của địa phương để tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, mang tính xã hội cao./.

Xem thêm:

>>Nông dân kỳ vọng các loại nông sản đặc sản sẽ được giá

>>Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp-Công nghiệp Thương mại Vĩnh Long

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục