Nhiều tàu thuyền của ngư dân Ninh Thuận phải nằm bờ vì thời tiết bất lợi

11:35' - 01/02/2023
BNEWS Hơn một tháng nay, thời tiết bất lợi kéo dài đã gây không ít khó khăn cho hoạt động vươn khơi đánh bắt thủy hải sản của ngư dân ở tỉnh Ninh Thuận.

Tại các cảng cá trong tỉnh, ngư dân vẫn phải thả neo, cột tàu thuyền chờ sóng yên, biển lặng mới mong tiếp tục vươn khơi đánh bắt.

 

Tại Cảng cá Cà Ná (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam), khác với những hoạt động nhộn nhịp mua bán thủy hải sản của thương lái, tàu thuyền liên tục cập cảng để đưa thủy sản lên cảng bày bán của năm trước, năm nay cảng cá lại vắng hoe, tàu thuyền sắp xếp neo đậu nằm chờ theo đúng vị trí.

Nhiều ngư dân ở xã Cà Ná cho biết, từ trước Tết Quý Mão 2023 tới giờ (cuối tháng 12/2022 tới nay), thời tiết thay đổi rất khác thường, gió to liên tục cả ngày lẫn đêm nên biển động rất mạnh.

Thời tiết kiểu vậy cho dù tàu to, công suất lớn cỡ nào cũng không ai dám đưa tàu vươn khơi đánh bắt, rất nguy hiểm. Như thường niên, cứ đến hôm mùng 3 Tết, ngư dân vùng biển tổ chức khai hội mở lạch để vươn khơi đánh bắt đầu năm nhưng từ hôm đó tới giờ, gió cứ liên tục thổi mạnh, biển động dữ dội nên chẳng ai dám đưa tàu ra khơi.

Theo Ban Quản lý Cảng cá Cà Ná, do bất lợi của thời tiết, hơn một tháng qua, rất đông tàu thuyền, kể cả tàu vãng lai phải vào cập cảng nằm chờ. Đến nay, số tàu thuyền này vẫn chưa thể vươn khơi đánh bắt vì sóng to, gió mạnh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sinh kế của hàng nghìn ngư dân bị ảnh hưởng, lao động biển cũng không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên tại Cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và Cảng Cá Ninh Chử (huyện Ninh Hải), mặc dù hoạt động mua bán tại cảng tuy có đông hơn nhưng thực tế đó là cảnh mua bán thủy sản được các hộ ngư dân nuôi ở các lồng, bè đưa lên bờ để bán hoặc chỉ là hải sản được các tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, tại các vịnh. Còn tàu thuyền vẫn đông đúc neo đậu chờ sóng yên, biển lặng mới dám vươn khơi.

Chủ tàu NT90916 TS chia sẻ, nếu thời tiết cứ đà này thì ngư dân sẽ gặp vô vàng khó khăn. Bởi cuộc sống của ngư dân phụ thuộc chủ yếu vào nghề đi biển. Do không thể vươn khơi đánh bắt nên thị trường thiếu sản phẩm để bán, chế biến…. Từ đó giá cả các loại hải sản đẩy lên rất cao, đây là điều mà ngư dân cảm thấy rất tiếc. 

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Ban Quản lý khai thác các cảng cá tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước tình trạng trên, Ban Giám đốc đã chỉ đạo và yêu cầu Ban Quản lý các cảng cá trong tỉnh bố trí lực lượng hướng dẫn ngư dân sắp xếp tàu thuyền đúng vị trí, tránh xảy ra va đập dẫn đến hư hỏng. Đồng thời ưu tiên khu vực trống cho một số tàu cá khai thác cập bến, bốc dỡ, mua bán hàng hóa được thuận tiện.

Hiện nay, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cũng tích cực phối hợp với ngành chức năng thường xuyên cập nhật, thông tin dự báo tình hình thời tiết, ngư trường khai thác để ngư dân nắm bắt, chủ động lên kế hoạch, chuẩn bị sẵn ngư lưới cụ để kịp thời ra khơi ngay khi thời tiết ổn định trở lại.

Năm 2023, Ninh Thuận phấn đấu đạt mục tiêu khai thác thủy, hải sản với sản lượng trên 124.000 tấn.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đang triển khai các giải pháp tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng hiện đại, bền vững; trong đó tập trung phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ bằng các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, nâng công suất tàu cá, đào tạo nghề, lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại giúp ngư dân vươn khơi khai thác hải sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ khai thác "biển xa" theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc triển khai các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tập trung kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập cảng; quản lý và vận hành hệ thống giám sát theo quy trình quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục