Nhiều tín hiệu khởi sắc cho thị trường lúa gạo

16:21' - 13/03/2020
BNEWS Từ diễn biến thị trường cũng như kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm đã cho thấy tín hiệu thị trường khả quan để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu với 6,7 triệu tấn, với trị giá trên 3 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh cả về sản lượng và giá trị. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Xuất khẩu gạo đang liên tục tăng trưởng mạnh cả về sản lượng và giá trị. Việt Nam đang có cơ hội mở rộng xuất khẩu sản phẩm này khi người tiêu dùng toàn cầu đang đẩy mạnh tích trữ để bảo đảm an ninh lương thực do dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Cùng với đó là các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được thực thi mở thêm cơ hội cho ngành hàng này. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các điều kiện về sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng tận dụng tối đa các lợi thế trên.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 900 nghìn tấn gạo với kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Giá gạo xuất khẩu bình quân của tháng 1 đạt 478 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 31% thị phần. Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Mozambique, Angola…
Ông Phan Xuân Quế, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Miền Bắc cho biết, sau Tết Nguyên đán, thị trường lúa gạo rất sôi động, giá gạo chào bán xuất khẩu cũng như trong nước đều tăng mạnh từ 30-50 USD/tấn tùy theo chất lượng, chủng loại gạo. Đặc biệt giá gạo tăng đều, mạnh ở các phân khúc, các chủng loại; thời gian tăng giá cũng nhanh, thậm chí ngoài dự báo của các doanh nghiệp.
“Thông thường diễn biến giá gạo được điều chỉnh theo quý hoặc năm nhưng chỉ mấy tháng đầu năm, giá gạo đã có sự điều chỉnh theo tuần. Đây là điều rất hiếm xảy ra đặc biệt khi Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch chính vụ Đông Xuân.”, ông Phan Xuân Quế cho hay.
Từ diễn biến thị trường cũng như kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm đã cho thấy tín hiệu thị trường khả quan để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu với 6,7 triệu tấn, với trị giá trên 3 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Quế, ngành nông nghiệp cũng như doanh nghiệp vẫn không được chủ quan, cần chủ động theo dõi diễn biến, đánh giá sát diễn biến thị trường để thực hiện đồng bộ cả 2 mục tiêu là an ninh lương thực và xuất khẩu.
Về nguyên nhân giá gạo được giá và đều ở các phân khúc, ông Phan Xuân Quế cho biết, thị trường thế giới tăng giá do các nước mở cửa nhập khẩu sớm. Các doanh nghiệp ký được hợp đồng số lượng lớn nên đẩy mạnh tập trung mua vào. Ngoài ra, Trung Quốc trước đây chi phối thị trường châu Phi với khoảng 3 triệu tấn/năm, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên đã tạo thuận lợi cho gạo Viêt Nam sang thị trường này.
Trên thị trường thế giới, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng lên mức cao do nhu cầu mạnh mẽ từ Philippines và Malaysia, trong khi giá gạo xuất khẩu Ấn Độ giữ ổn định ở mức cao; giá gạo Thái Lan cũng tăng. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu hiện đang tiếp tục được thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan, cao hơn gạo Myanmar, Ấn Độ - các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, nhu cầu gạo Thái Lan trầm lắng và những lo ngại về nguồn cung vẫn tồn tại do hạn hán. Dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng do hiện tại vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước sản xuất gạo khác.
Giá gạo còn được dự báo sẽ tăng cho tới giữa năm nay do người tiêu dùng toàn cầu đang đẩy mạnh tích trữ, trong khi Trung Quốc sẽ không tăng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Chookiat Ophaswongse cho biết, nhu cầu về gạo toàn cầu đã mạnh lên kể từ khi bùng nổ dịch COVID-19, khiến giá gạo tăng từ 30-50 USD/tấn kể từ đầu năm nay.
Những tín hiệu xuất khẩu gạo khởi sắc cho thấy, đây cũng là kết quả của việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng gạo nói riêng. “Chúng ta đã định hướng được khâu tổ chức sản xuất, tìm ra được các mô hình phát triển, chủng loại phù hợp với từng thị trường nên không có hiện tượng gạo rớt giá như năm 2018. Khi đó giá gạo nếp chỉ bằng giá gạo tẻ do hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.”, ông Phan Xuân Quế chỉ ra.
Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo cũng đã góp phần trong tái cơ cấu thị trường xuất khẩu. Đó là việc ngành hàng này đã đa dạng hóa được thị trường, các kênh phân phối, phương thức giao nhận, vận chuyển, đóng gói và giảm được sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam; trong đó, các thành phần trong chuỗi giá trị gạo từ sản xuất, cung ứng, chế biến, vận tải… đều được nâng lên.
Theo ông Phan Xuân Quế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đàm phán ký kết các hiệp định, thỏa thuận về sự phù hợp, công nhận lẫn nhau trong kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, để doanh nghiệp phát triển thị trường, tận dụng lợi thế các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia hay các cam kết quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, trong thời gian sắp tới, ngành gạo Việt Nam có thể mở rộng cơ hội xuất khẩu sang Đông Phi, do các quốc gia này có khả năng cao phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng do nạn châu chấu gây ra. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng không đáng kể đối với ngành gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị các điều kiện về sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng tận dụng tối đa lợi thế khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Hồ Cầu – TTXVN
Đến nay, cả nước gieo cấy đạt khoảng trên 3 triệu ha lúa Đông Xuân, giảm khoảng 110 nghìn ha so với năm 2019; trong đó, các tỉnh phía Nam đã thu hoạch trên 1 triệu ha trong tổng số trên 1,9 triệu ha gieo cấy. Sản lượng ước đạt 20,3 triệu tấn, giảm khoảng 164 nghìn tấn so với vụ trước.
Tuy thị trường lúa gạo có nhiều điểm sáng, nhưng ngành nông nghiệp cùng các địa phương tiếp tục hướng dẫn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn. Đồng thời, sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, dự kiến diện tích lúa cả năm ước đạt 7,3 triệu ha, giảm 165 nghìn ha do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hạn mặn, chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, nhờ tăng năng suất nên sản lượng lúa ước đạt 43,4 triệu tấn, giảm nhẹ khoảng 70 nghìn tấn. Sản lượng gạo năm nay sẽ đạt khoảng 28 triệu tấn, đảm bảo đủ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 6,5 – 7 triệu tấn.
Để đảm bảo sản lượng trên, ngành nông nghiệp sẽ theo dõi sát tình hình sản xuất, hướng dẫn các địa phương kịp thời về thời vụ, cơ cấu giống và các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất; chỉ đạo chăm sóc, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng dịch hại trên lúa Đông Xuân và hướng dẫn xuống giống lúa Hè Thu tại phía Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục