Nhiều triển vọng đầu tư vào cổ phiếu ngành Thép

20:15' - 07/11/2016
BNEWS Ngành Thép Việt Nam đang có sự phân hóa rất mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt những doanh nghiệp đầu tư bài bản có thể tăng công suất chiếm lĩnh thị phần và tăng lợi nhuận.
Các chuyên gia chia sẻ thông tin về ngành thép tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Ngành thép Việt Nam – Thăng trầm và triển vọng" do Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 7/11.

Tại hội nghị, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của VietinbankSc cho rằng, với những diễn biến tích cực từ kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thép cũng có mức tăng trưởng hết sức tích cực, có những cổ phiếu đã tăng mạnh, với mức tăng từ vài chục lên đến vài trăm phần trăm.

Mặt khác, dự kiến trong 6 tháng cuối năm, ngành Thép nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15% như nửa đầu năm, đây cũng có thể là mức tăng trưởng cả năm 2016 của ngành Thép.

Tương tự, một số chuyên gia khác cho biết, hiện nay, ngành thép đang có nguồn cung khá lớn nhưng thị trường đã bão hòa, nên diễn biến giá thép biến động khó dự đoán. Những doanh nghiệp đầu tư bài bản có thể tăng công suất chiếm lĩnh thị phần và tăng lợi nhuận, còn những doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu thì không hưởng lợi nhiều từ việc ưu đãi chính sách thuế.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép quy mô lớn đã hoạt động hết công suất, mà vẫn rất thận trọng khi không có ý định đầu tư, mở rộng quy mô. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép trong nửa cuối năm sẽ thu hẹp so với nửa đầu năm do lượng tồn kho giá rẻ đã được giải phóng gần hết, trong khi giá nguyên liệu đầu vào đang ở mức cao.

Đánh giá về năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam trên thị trường, TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết, ngành thép Việt Nam đã trở thành ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế. Ngành thép sản xuất trong nước đã đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép... Đồng thời, một số sản phẩm thép xuất khẩu cao như ống thép, thép cán nguội...

Nhằm tạo điều kiện cho ngành thép phát triển và tăng cường năng lực cạnh tranh với các sản phẩm thép nhập khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành Thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép, thép dài và gần đây nhất là sản phẩm tôn mạ kẽm đã phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp thép nội địa lội ngược dòng trong năm 2016.

Theo đó, doanh nghiệp ngành thép đang nỗ lực vượt qua những khó khăn chung của xu hướng toàn cầu, cũng như nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu, khi các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết bắt đầu có hiệu lực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục