Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ

13:08' - 07/01/2022
BNEWS Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 7/1, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Thị Vân, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh cho biết, không khí thảo luận tại tổ sôi nổi, ý kiến toàn diện, sâu sắc và đa chiều. Qua các phiên thảo luận tại tổ cũng như trực tuyến, đại biểu đánh giá cao chất lượng ý kiến đóng góp của các đại biểu. Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, các biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các vấn đề được Quốc hội xem xét.

Nói về tính cấp thiết ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Thị Vân cho biết, năm 2020-2021 do tác động của dịch COVID-19 tình hình sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định vĩ mô, lạm phát; chi phí đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội... đã ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025.

Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp lần này là hết sức cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các chính sách được đưa ra trong Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất rõ ràng, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, đối tượng thụ hưởng rộng, bao quát, cụ thể hơn. Liên quan đến nội dung cụ thể được bàn thảo tại phiên họp về Dự thảo Nghị quyết, đại biểu đặc biệt quan tâm với nhóm giải pháp thứ 2 là đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm.

Giải pháp cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

“Đây là giải pháp rất là phù hợp để hỗ trợ những đối tượng yếu thế, thực hiện gói hỗ trợ qua Ngân hàng Chính sách việc giải ngân sẽ nhanh và đến được nhiều đối tượng thụ hưởng hơn”, đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.

Đối với chính sách hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động thông qua doanh nghiệp đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và chính sách hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với cả lao động tự do vì thực tế đối tượng này cũng rất khó khăn và họ cũng cần phải thuê nhà trọ.

Tuy nhiên, cần đánh giá và rút kinh nghiệm các đợt hỗ trợ trước để xác định đúng đối tượng, tránh chi sai đối tượng, lạm dụng chính sách. Đại biểu đề xuất thực hiện cùng một mức hỗ trợ chung cho cả người lao động đang làm việc và người lao động quay trở lại thị trường lao động đồng thời nâng mức hỗ trợ nếu có thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đánh giá cao nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ chi phí đầu vào như điện, nước, chi phí phòng, chống dịch cho doanh nghiệp; cho phép tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản đã chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19…

Đối với vấn đề tính chi phí với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, đại biểu đồng tình với phương án cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19.

Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính.

“Việc đưa hiện vật vào chi phí được trừ khi xác định chịu thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội, chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19, góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí chống dịch cho ngân sách. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp ủng hộ hiện vật sẽ hạn chế nhiều tiêu cực trong vấn đề đấu giá trang thiết bị vật tư y tế diễn ra như thời gian qua”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nói.

Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, cần rà soát, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu như nông nghiệp, vận tải… Đồng thời, chính sách hỗ trợ cần lựa chọn đúng và trúng đối tượng hỗ trợ.

Trong giai đoạn phục hồi, dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc, tập trung hơn, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn có sức lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế; các doanh nghiệp hạt nhân của các chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để tăng cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội thông qua doanh nghiệp, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động.

Chính sách tiền tệ, cần có các chính sách nhanh, mạnh, quyết liệt và cụ thể hơn nữa trong điều hành. Về phân bổ các nguồn hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng phải xác định khủng hoảng lần này xuất phát từ dịch COVID-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng tài chính như giai đoạn 2007-2008.

Do vậy, các chính sách hỗ trợ phải lấy y tế làm trung tâm, là then chốt, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ./.

>>>Quy định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí với từng gói chính sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục