Khai thác lợi thế để phát triển công nghiệp và xây dựng

13:51' - 17/07/2025
BNEWS Sau hợp nhất, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy những thế mạnh, phấn đấu tạo cú “bứt phá” về phát triển khu vực công nghiệp, xây dựng nói riêng và kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung.
Trong bức tranh kinh tế vùng Trung du miền núi phía Bắc, khu vực công nghiệp và xây dựng của tỉnh Tuyên Quang đang ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng GRDP toàn vùng. Đặc biệt, sau khi hợp nhất, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy những thế mạnh, phấn đấu tạo cú “bứt phá” về phát triển khu vực công nghiệp, xây dựng nói riêng và kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung.

*Duy trì đà tăng trưởng

Theo ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Tuyên Quang 6 tháng đầu năm 2025 đạt 14.907,1 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2024. Qua đó, giúp tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Tuyên Quang (sau khi hợp nhất) tăng 7,29%.

 
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2025, tỉnh Tuyên Quang (cũ) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng ở khu vực công nghiệp - xây dựng, trong khi đó tỉnh Hà Giang (cũ) tiếp tục phát huy thế mạnh trong phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến, công nghiệp năng lượng...

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng của Tuyên Quang (cũ) tăng 8,48%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 12.827,6 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là một trong những trụ cột đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế địa phương; trong đó, ngành công nghiệp tăng 8,03% nhờ vào hoạt động ổn định của các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, chế biến nông, lâm sản và lắp ráp cơ khí. Ngành xây dựng tăng 9,46%, ghi nhận mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua với hàng loạt công trình giao thông, khu đô thị và hạ tầng kỹ thuật được triển khai đồng bộ.

Còn với tỉnh Hà Giang (cũ), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,93% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 14,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,07%;  sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 4,22%... Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2025 đạt 2.079,5 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch năm và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2024.

* Phát triển bền vững và thu hút đầu tư có chọn lọc

Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh Tuyên Quang mới đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tỉnh đặc biệt dành sự quan tâm đến việc khai thác lợi thế triển công nghiệp bền vững, xanh và hiệu quả, khuyến khích các dự án công nghệ cao, chế biến sâu và thân thiện với môi trường…

Là đơn vị sản xuất giấy và bột giấy lớn nhất tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, công ty là cơ sở đầu tiên tại Tuyên Quang ứng dụng hệ thống quan trắc nước thải tự động, lấy kết quả 5 phút/lần, truyền trực tiếp đến phòng điều khiển nhà máy và cơ quan chức năng quản lý. Việc giám sát trực tuyến này giúp cán bộ kỹ thuật điều chỉnh kịp thời, bảo đảm xả thải an toàn. Đồng thời, công ty cũng đưa vào vận hành nhiều dây chuyền sản xuất bột giấy (130.000 tấn/năm) và giấy cao cấp; áp dụng khoa học công nghệ tự động hóa dây chuyền để nâng cao năng suất, giảm nhân công. Hay công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng ECF và hệ thống thu hồi hóa chất giảm chi phí, tối ưu hóa nguyên liệu và giảm phát thải…

Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, và đóng góp thiết thực cho kinh tế địa phương. Đồng thời, việc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, cải thiện thủ tục đầu tư và kết nối hạ tầng liên vùng là yếu tố then chốt nâng cao hiệu quả phát triển khu vực công nghiệp.

Ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh Tuyên Quang có 11 dự án công nghiệp đi vào hoạt động, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp 279,2 tỷ đồng; trong đó  nhiều dự án có giá trị cao như: nhà máy sản xuất giày dép thể thao và giày lười cao cấp của Công ty TNHH Victory Sporting Goods Tuyên Quang, Nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA của Công ty TNHH EREX SAKURA BIOMASS Tuyên Quang, Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng sản xuất các loại dược liệu như thuốc ho, thập toàn đại bổ, đại bổ khí huyết, bổ tỳ; Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Sun Vina/Nhà máy sản xuất và chiết nạp LPG Bình Vàng...

Theo Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang, từ nay đến cuối năm, có thêm 15 dự án hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động năm 2025 là 26 dự án, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp cả năm là 2.029,3 tỷ đồng. Ngành công thương cũng đã xây dựng kịch bản theo từng tháng, quý nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 33.400 tỷ đồng.

Trong giai đoạn tới, nếu tiếp tục duy trì tốc độ phát triển hiện tại và cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Tuyên Quang mới sẽ có nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn công nghiệp miền núi phía Bắc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục