Nhiều yếu tố hút dòng vốn ngoại

17:16' - 10/01/2024
BNEWS Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định có nhiều yếu tố tích cực để "hút" vốn ngoại.
Mặc dù kết thúc tương đối thành công với chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 12,2%, tuy nhiên khối ngoại lại kém tích cực khi bán ròng mạnh. Giới phân tích kỳ vọng, năm 2024, bối cảnh vĩ mô thế giới thuận lợi hơn, cùng với tiềm năng của thị trường Việt Nam, khối ngoại sẽ trở lại mua ròng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo xu hướng bán ròng mạnh như tháng 12/2023 sẽ chững lại với kịch bản triển vọng lợi nhuận cải thiện sẽ đưa định giá P/E (hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu) về mức cân bằng hơn cho góc độ nắm giữ của nhà đầu tư ngoại.

Cùng đó, kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất nhiều hơn cũng sẽ kích thích dòng tiền từ thị trường tiền tệ quay trở lại vào các thị trường vốn quốc tế.

Đồng quan điểm, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng Fed nhiều khả năng sẽ dừng tăng lãi suất và có thể tiến tới giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2024. Khi đồng USD hạ giá, dòng vốn đầu tư có thể dịch chuyển trở lại các thị trường mới nổi. Dòng vốn ngoại cũng thể hiện sự quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam trong điều kiện đồng USD suy yếu. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội nâng hạng trong năm 2024 cũng sẽ là yếu tố thu hút dòng tiền ngoại.
 
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, năm 2023, các thị trường như Mỹ và châu Âu có hiệu suất vượt trội hơn hẳn so với các thị trường châu Á. Đó là lý do họ phải dịch chuyển sang các thị trường này để đầu tư.

Sau thời kỳ suy thoái, những quốc gia có “sức khỏe” tốt như ở châu Âu và Mỹ, sẽ hồi phục rất mạnh. Đó cũng là lý do nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường châu Á và dịch chuyển sang các thị trường khác, vị chuyên gia lý giải.

“Bán ròng là hoạt động cơ cấu danh mục của khối ngoại nên kỳ vọng đầu năm 2024 các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm mua ròng”, ông Minh nói.

Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), dễ dàng nhận thấy trong năm 2023, các mã chứng khoán nhận được sự hưởng ứng của dòng tiền ngoại đều có tỷ suất sinh lợi cao hơn so với nhóm bị bán ròng mạnh.

SSI cho biết, khối ngoại tăng đáng kể quy mô bán ròng lên 10.000 tỷ đồng trong tháng 12 và là tháng rút ròng mạnh nhất năm 2023. Mức độ ảnh hưởng của khối ngoại theo đó cũng tăng lên với tỷ trọng giao dịch đạt mức cao nhất từ tháng 4 là 9,86%. Đây cũng là động thái xuyên suốt của khối ngoại trong năm 2023, với tổng giá trị bán ròng lên đến 22.800 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng trên diện rộng trong tháng 12, cao nhất ở nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính với cùng giá trị 2.600 tỷ đồng và duy trì bán ròng ở những nhóm trụ cột khác như bất động sản, thực phẩm đồ uống cùng bị bán ròng 1.600 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối ngoại cũng hạ tỷ trọng ở nhóm tài nguyên cơ bản, khi bán ròng 991 tỷ đồng, sau giai đoạn tăng cường mua ròng từ đầu năm.

Nổi bật ở chiều ngược lại là nhóm công nghệ thông tin được mua ròng nhiều nhất, với 101 tỷ đồng. Tiếp đến là nhóm bán lẻ bất ngờ được mua ròng 80 tỷ đồng, sau 5 tháng liên tục bị rút ròng.

Năm 2023, hoạt động của khối ngoại thể hiện sự phân hóa rõ nét, qua việc chủ yếu bán ròng ở nhóm ngân hàng, thực phẩm đồ uống và dịch vụ tài chính khi chiếm đến 21.500 tỷ đồng, trong quy mô 22.800 tỷ đồng bán ròng toàn thị trường. Trong khi đó, nhóm tài nguyên cơ bản là tâm điểm của dòng vốn ngoại năm 2023 khi được vào ròng đến 5.100 tỷ đồng.

Riêng tháng 12, khối ngoại bán ròng nhiều nhất ở VHM với 1.200 tỷ đồng, HPG bị bán ròng 979 tỷ đồng và chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND bị bán ròng 965 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các mã được mua ròng mạnh như MWG đạt 176 tỷ đồng, IDC đạt 265 tỷ đồng và VHC đạt 149 tỷ đồng

Năm 2023, khối ngoại tập trung cục bộ ở 3 mã EIB với 5.400 tỷ đồng, VPB bị bán ròng 3.400 tỷ đồng và MWG là 3.000 tỷ đồng. Ngược lại, các đại diện của nhóm tài nguyên cơ bản là HPG được mua ròng 3.000 tỷ đồng và HSG được mua ròng 1.600 tỷ đồng. Đây là những mã có giá trị mua ròng cao nhất.

SSI cho rằng, về trung hạn, dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ dòng tiền chuyển dịch sang thị trường đang phát triển, tuy nhiên điều này thường sẽ chỉ xuất hiện sau khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Về ngắn hạn, sức hấp dẫn của cổ phiếu Việt Nam từ các nhà đầu tư Thái Lan và Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng từ những quy định và kế hoạch mới của Chính phủ nước này giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán nội địa.

Trong năm 2023, đà rút ròng của khối ngoại không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra tương tự ở các quốc gia trong khu vực; trong đó, áp lực rút ròng của khu vực Đông Nam Á diễn ra khi lãi suất ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ đã duy trì mặt bằng cao và trong một thời gian dài hơn, điều này dẫn tới dòng vốn có xu hướng quay trở lại các nước phát triển và rút khỏi các nước cận biên và mới nổi.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, việc bán ròng của khối ngoại nhìn chung không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều ở thị trường khác của châu Á như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…

Ông Ngọc cho rằng, có thể dòng vốn quốc tế rút ra khỏi các ETF (quỹ hoán đổi danh mục) châu Á và trở vào ETF Mỹ. Sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế này cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán ròng.

Đồng quan điểm, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) lý giải việc khối ngoại liên tục bán ròng trong năm 2023, bất chấp việc áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt là do sự đối lập, lệch pha giữa các thị trường tài chính trên thế giới.

Theo đó, việc Fed phát đi tín hiệu ngừng tăng lãi suất điều hành và dự báo 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024 đã kéo các thị trường phát triển, đặc biệt là chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong năm 2023.

Thậm chí có chỉ số chứng khoán Mỹ đã vượt đỉnh lịch sử. Có thể thấy, thị trường chứng khoán Mỹ và một số thị trường phát triển khác như Nhật Bản có sự "vượt trội".

Điều này khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển về các thị trường vốn có hiệu suất đầu tư tài chính tốt và xu hướng mạnh như thị trường chứng khoán Mỹ và Nhật Bản.

Trong khi đó, nhà đầu tư chứng khoán đang gặp khó khăn trong việc kiếm lời trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn từ cuối tháng 9. Điều đó khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp, đặc biệt là dòng tiền đầu cơ, có xu hướng rút ròng và tìm kiếm cơ hội ở những thị trường thuận lợi hơn.

Việc khối ngoại liên tục bán ròng với giá trị lớn đã khiến dòng tiền nội "chùn bước" và là lực cản chính cho sự phục hồi của các chỉ số chứng khoán trong nước năm 2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục