NHÌN LẠI THẾ GIỚI 2019: Những xáo trộn khó lường từ nước Mỹ
Việc Hạ viện Mỹ ngày 18/12 thông qua hai điều khoản luận tội đối với Tổng thống Donald Trump đã khép lại một năm của những căng thẳng và chia rẽ trong nền chính trị Mỹ, nhiều xáo trộn nhân sự, tính khốc liệt và gay gắt của vòng đua chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trên hết, năm 2019, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump tiếp tục chứng kiến hàng loạt những điều chỉnh, thậm chí đảo ngược trong nhiều chính sách đối nội và đối ngoại theo hướng thực dụng và đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu.
Bước vào Nhà Trắng với cam kết làm thay đổi bộ mặt nền chính trị và kinh tế Mỹ, đồng thời theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, trong năm thứ ba của nhiệm kỳ tổng thống, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đưa ra những quyết định và chính sách bất ngờ gây tranh cãi, không chỉ làm thay đổi nước Mỹ mà còn tác động tới nhiều khu vực trên toàn thế giới. Những quyết sách mang đậm dấu ấn cá nhân của Tổng thống Trump vấp phải sự chỉ trích gay gắt và phản đối mạnh mẽ từ đảng Dân chủ với cáo buộc ông đang đẩy Washington phải đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ.
Tuy nhiên, với những thành tựu nổi bật không thể phủ nhận trong lĩnh vực kinh tế, những người ủng hộ cho rằng Tổng thống Trump đã thực hiện đúng cam kết của mình và đang đưa “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Về đối nội, kể từ sau kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cuối năm ngoái khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát hạ viện, nhiều chính sách chính quyền Tổng thống Trump đưa ra vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà lập pháp đảng Dân chủ, đặc biệt là chính sách siết chặt kiểm soát người nhập cư, bài toán chi tiêu ngân sách cho năm tài khóa 2020 liên quan đến vấn đề cấp ngân sách cho bức tường an ninh biên giới giữa Mỹ và Mexico theo đề xuất của Tổng thống Trump, vấn đề bạo lực súng đạn, cải cách y tế và một số vấn đề nổi cộm liên quan đến tôn giáo và sắc tộc.
Có thể nói thế đối đầu và chia rẽ giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong năm 2019 ngày càng trở nên sâu sắc, chi phối đời sống chính trị nước Mỹ khi đảng Dân chủ đẩy mạnh các cuộc điều tra nhằm tiến hành luận tội và buộc Tổng thống Trump phải rời khỏi Nhà Trắng.
Ngay sau cuộc điều tra do cựu Công tố viên Robert Mueller tiến hành liên quan đến sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 kết thúc mà không thể đưa ra kết luận nào, đảng Dân chủ tiếp tục hướng sự tập trung vào cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump với cáo buộc ông đã lạm quyền nhằm gây sức ép đối với chính quyền Ukraine để giành lợi thế trước đối thủ chính trị năm 2020 của mình là cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Trong lịch sử nước Mỹ, ông Trump không phải là vị tổng thống đầu tiên bị tiến hành điều tra luận tội, tuy nhiên ông được cho là người phải chịu sức ép lớn nhất khi phải đương đầu với các cuộc tấn công của đảng Dân chủ.
Mặc dù chưa thể khẳng định những nỗ lực thúc đẩy nhanh chóng luận tội vào dịp cuối năm của đảng Dân chủ có giúp thay đổi được tình hình, tạo lợi thế cho các ứng cử viên đảng này trong cuộc đối đầu với Tổng thống Trump năm 2020 hay không, song chắc chắn sẽ khiến ông chủ Nhà Trắng “đau đầu” khi phải ứng phó với những diễn biến có phần bất lợi xuất hiện trong các cuộc điều trần kín và công khai gần đây và không thể “toàn tâm toàn ý” thực hiện các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mình.
Không chỉ hứng chịu sức ép do mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc về đảng phái hay những vấn đề trong chính nội bộ chính quyền với sự ra đi của một loạt quan chức cấp cao, mà gần đây nhất là Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, Tổng thống Trump dường như cũng đang “mắc kẹt” trong một loạt các vấn đề đối ngoại liên quan đến Triều Tiên, Syria, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các nước đồng minh của Mỹ, hay quan hệ giữa Washington và các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran.
Trong vấn đề Triều Tiên, mặc dù quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện, nhưng đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc. Đây là một mặt trận ngoại giao quan trọng mà Tổng thống Trump vẫn chưa thể tháo nút thắt và tiếp tục bị chỉ trích rằng chính sách của ông đối với Triều Tiên quá “mềm mỏng”, gây tổn hại tới an ninh và lợi ích của nước Mỹ, làm giảm vị thế của Washington trên trường quốc tế.
Đối với Iran, mặc dù chiến dịch gây áp lực tối đa bằng các lệnh cấm vận của Washington đã khiến nền kinh tế Iran suy thoái, nhưng dường như nó lại phản tác dụng khi đẩy Tehran vào tình thế phải tăng cường làm giàu nguyên liệu hạt nhân và thúc đẩy chính sách cứng rắn ở khu vực.
Quan hệ Mỹ-Nga cũng thêm căng thẳng khi hai bên sa vào chỉ trích và đổ lỗi cho nhau gây ra sự đổ vỡ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), và tình trạng này sẽ tiếp tục leo thang nếu hai bên triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn vốn trước đây bị cấm theo INF.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, INF đổ vỡ đã tạo ra một điểm nóng bất ổn mới với hậu quả khó kiểm soát, khiến tương lai của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí như Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hay Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT)…, đều trở nên bấp bênh.
Năm 2019 cũng là năm đánh dấu những bước đi gây hậu quả khó lường trong chính sách của Tổng thống Trump đối với Trung Đông, khiến tình hình “điểm nóng" này liên tục bất ổn, thậm chí được cho là làm suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng địa - chính trị của Mỹ ở khu vực.
Một trong số đó là tuyên bố ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của Do Thái ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, động thái làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Trump và người Palestine, khoét sâu chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu, cũng như ảnh hưởng tới triển vọng cho kế hoạch hòa bình lâu dài của Mỹ ở Trung Đông.
Bên cạnh đó, việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi miền Bắc Syria và bế tắc trong đàm phán với Taliban cũng có thể khiến khu vực này ngày càng trở nên bất ổn hơn, tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố quay trở lại.
Những thay đổi về chính sách đối ngoại có thể "gây khó" cho Tổng thống Trump, tuy nhiên chính sách kinh tế thương mại “mạnh mẽ” mà ông chủ Nhà Trắng áp dụng kể từ khi lên nắm quyền lại mang lại những kết quả tích cực.
Tổng thống Trump đã giành lại sức mạnh kinh tế cho nước Mỹ bằng cách kích thích tăng trưởng trưởng thông qua gói cắt giảm thuế hiệu quả; áp dụng một loạt biện pháp nhằm tháo bỏ đáng kể các luật lệ, rào cản đối với doanh nghiệp; gây sức ép bằng hình thức thuế quan để buộc các công ty Mỹ và công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất, công nghệ hoặc mở nhà máy trên đất Mỹ; rút khỏi hoặc đàm phán lại các thỏa thuận thương mại đa phương và song phương.
Đặc biệt, Mỹ đã “tuyên chiến” với các quốc gia là đối tác thương mại truyền thống lớn, trong đó có cả Trung Quốc, nhằm mục tiêu như ông Trump tuyên bố là “đem lại sự công bằng” cho các doanh nghiệp Mỹ” và đảm bảo quyền tiếp cận thị trường nước ngoài tốt hơn cho hàng hóa Mỹ.
Những biện pháp trên giúp Tổng thống Trump ghi được bảng thành tích nổi bật về kinh tế, làm thay đổi bộ mặt kinh tế của cường quốc hàng đầu thế giới này.
Nền kinh tế Mỹ duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, tạo ra được nhiều việc làm, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện ở mức cao nhất tính từ thời điểm năm 2000.
Các số liệu kinh tế tích cực đã khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump lên mức cao nhất kể từ khi ông lên nắm quyền, bất chấp cuộc điều tra luận tội hiện nay nhằm vào ông.
Như vậy, dù nước Mỹ phải chứng kiến nhiều xáo trộn, bất ổn và khó lường trong năm thứ ba cầm quyền của Tổng thống Trump, nhưng với những chỉ số tích cực về kinh tế - một trong những yếu tố then chốt quyết định kết quả cuộc bầu cử năm 2020, Tổng thống Trump có thêm cơ hội giành được nhiều sự ủng hộ của cử tri.
Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn dài, cần vị tổng thống từng là nhà kinh doanh lẫy lừng nước Mỹ đưa ra những chiến lược cụ thể nhằm ngăn chặn xảy ra suy thoái và chèo lái nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục đạt được mức tăng trưởng kéo dài kỷ lục trong lịch sử, đồng thời giải quyết những thách thức do sự chia rẽ trên chính trường Mỹ gây ra.
Có như vậy, niềm hy vọng tại vị ở Nhà Trắng của ông mới có khả năng trở thành hiện thực./.
>>> NHÌN LẠI THẾ GIỚI 2019: Những xáo trộn khó lường từ nước Mỹ
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bị luận tội
09:42' - 19/12/2019
Chỉ ít phút sau khi thông qua điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump lạm quyền, sáng 19/12 (theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ tiếp tục thông qua điều khoản luận tội ông Trump cản trở Quốc hội.
-
Kinh tế Thế giới
Hạ viện Mỹ tranh luận gay gắt về cuộc luận tội Tổng thống
07:50' - 19/12/2019
Các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã phản đối gay gắt quan điểm của đảng Dân chủ và khẳng định ông Trump bị đối xử thiếu công bằng.
-
Kinh tế Thế giới
NHÌN LẠI THẾ GIỚI 2019: Quyết liệt "cuộc đọ sức" chiến lược Mỹ - Trung
15:59' - 18/12/2019
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cuộc đọ sức Mỹ-Trung đã bước vào giai đoạn căng thẳng với bản chiến lược an ninh quốc gia mới, công bố tháng 12/2017.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Hỗ trợ các doanh nghiệp Argentina mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam
09:26'
Đại sứ Ngô Minh Nguyệt khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Argentina mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của địa phương này
-
Kinh tế Thế giới
10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua
09:25'
Giá vàng thế giới tăng mạnh nhất gần hai năm qua, đồng bitcoin tăng giá khoảng 130%, đồng USD áp sát mức cao nhất trong 13 tháng... là trong những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật trong tuần qua.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc: Phát hiện mỏ vàng trữ lượng siêu lớn ở tỉnh Hồ Nam
20:39' - 23/11/2024
Mỏ mới ở độ sâu 2.000m bên dưới mỏ vàng Wangu ở huyện Bình Giang.
-
Kinh tế Thế giới
Các nhà điều hành kinh tế trong chính phủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump
15:46' - 23/11/2024
Ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử nhà đầu tư Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống đắc cử Mỹ công bố loạt đề cử nhân sự mới
10:55' - 23/11/2024
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt đề cử nhân sự trong chính phủ mới.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc thiết lập cơ chế liên ngành kinh tế đối ngoại để ứng phó thay đổi chính sách từ Mỹ
08:46' - 23/11/2024
Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực nhằm ổn định nền kinh tế và đảm bảo sinh kế cho người dân.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc gia tăng biện pháp trả đũa EU
19:36' - 22/11/2024
Ngày 22/11, Trung Quốc mở rộng cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU, bao gồm các chương trình trợ cấp của EU và của các quốc gia như Đan Mạch, Pháp, Italy và Hà Lan.
-
Kinh tế Thế giới
Chính phủ Thái Lan phê duyệt kế hoạch kích thích kinh tế
18:26' - 22/11/2024
Ủy ban chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ Thái Lan do Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra làm Chủ tịch đã phê duyệt kế hoạch 5 điểm nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước trong cả ngắn và dài hạn.
-
Kinh tế Thế giới
Sạc xe điện - cú hích tỷ USD cho kinh tế châu Âu
17:24' - 22/11/2024
Mặc dù doanh số xe điện (EV) đang chậm lại ở châu Âu, ngành công nghiệp sạc xe điện vẫn kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ tỷ lệ xe điện ở châu Âu tăng đều đặn.