Nhóm BRICS: Khả năng kết nạp thêm thành viên

15:49' - 30/03/2017
BNEWS Ý tưởng mở rộng Nhóm BRICS bằng cách kết nạp thêm những nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh có thể giúp “lấp đầy” khoảng trống do chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ để lại.
Các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS trong cuộc gặp tại Hàng Châu hồi năm 2016. Ảnh: AFP/TTXVN

Đó là nhận định của nhà phân tích quốc tế Adrián Zelaia, Tổng Giám đốc công ty tư vấn Ekai Center. Trả lời phỏng vấn đài Sputnik, ông Zelaia phân tích đề xuất của Trung Quốc trong việc mở rộng Nhóm BRICS, hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, với việc kết nạp vào khối này các nước Pakistan, Bangladesh, Iran, Nigeria, Hàn Quốc, Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Việt Nam.

Theo chuyên gia Zelaia, điều rất logic là cơ hội mở rộng BRICS đã xuất hiện trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, và điều đó có thể được xem như phản ứng về việc Mỹ từ bỏ chiến lược bá chủ thương mại.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đóng vai trò duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Do đó, việc Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP đã tạo ra khoảng trống và BRICS có thể đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong thế giới đang phát triển.

Thời điểm hiện nay là hết sức quan trọng bởi vì đến nay BRICS chỉ là “một biểu tượng của lực đối trọng phương Tây”. Nhưng tình hình có thể thay đổi theo hướng “quyền lực hiệu quả” và nhóm BRICS có thể dẫn đầu trật tự kinh tế thế giới, mà không chỉ làm lực đối trọng. 

Ông Zelaia nhận xét rằng nếu BRICS tăng đáng kể số lượng thành viên và tiếp tục quá trình này, thì ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa của nhóm nước này sẽ tăng lên.

Ông Zelaia nhấn mạnh rằng BRICS “đang phát triển theo mô hình cơ bản” vượt ra ngoài phạm vi thương mại. Nhiều quốc gia trong danh sách do Trung Quốc đề xuất đang tích cực phát triển quan hệ thương mại với nhau, do đó việc gia nhập BRICS sẽ không tác động mạnh đến nền tảng thương mại của họ.

Ông nói mô hình phát triển BRICS bao gồm không chỉ các mối liên hệ thương mại mà còn cam kết đầu tư chiến lược trong tương lai. Hầu hết các nước trong danh sách của Trung Quốc đều có mối liên kết với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xuyên suốt lục địa Á-Âu.

Cơ sở hạ tầng sẽ là “đòn bẩy” phát triển các nước. Vì theo triết lý truyền thống của Trung Quốc, những mất mát của một nước không nhất thiết mang lại lợi nhuận cho nước khác, điều quan trọng nhất là khuyến khích tất cả các bên đề xuất sáng kiến và tạo ra các dự án vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, danh sách các ứng viên có thể dẫn đến căng thẳng giữa năm nước thành viên, vì thế BRICS cần rất cẩn thận khi xem xét vấn đề mở rộng, để không phá vỡ sự cân bằng.

New Delhi đã bày tỏ nghi ngờ lớn với đề xuất của Trung Quốc, bởi vì trong danh sách này có nhiều quốc gia giáp giới với Ấn Độ  và nhiều ứng viên có “mối quan hệ phức tạp” với New Delhi. 

Ông Zelaia nói: BRICS nên suy nghĩ  kỹ lưỡng về vấn đề không dễ dàng này. Trung Quốc có tiềm lực kinh tế và khả năng tạo ra quan hệ đối tác lớn hơn nhiều so với các nước khác, đây là sức mạnh kinh tế lớn nhất trong khối BRICS. Ấn Độ lại không có khả năng tìm kiếm ứng viên tiềm năng trong số các đồng minh của họ, do đó rất khó để tìm được sự lựa chọn hoàn hảo. 

Trong diễn biến mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm BRICS cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tiêu Thiệp nhấn mạnh BRICS thường xuyên phối hợp thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực tài chính và có những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong Nhóm cũng như nền kinh tế thế giới, đồng thời góp phần cải thiện khả năng quản trị nền kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Tiêu Thiệp cho biết rằng trong những năm gần đây, BRICS đã có những thành tựu mang tính bước ngoặt, như thành lập Ngân hàng Phát triển Mới BRICS và thỏa thuận Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung, là những nền tảng quan trọng giúp tăng cường và sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác tài chính giữa các nước BRICS./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục