Nhóm Visegrad và Anh nhất trí giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga

10:24' - 09/03/2022
BNEWS Ngày 8/3, thủ tướng các nước Nhóm Visegrad (V4 - Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary) đã nhất trí với người đồng cấp Anh Boris Johnson cần giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, thủ tướng các nước Nhóm Visegrad (V4 - Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary) đã nhất trí với người đồng cấp Anh Boris Johnson cần giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga và phối hợp hành động đối phó với nước này liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

 

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp ngày 8/3 tại London, Thủ tướng Séc Petr Fiala thừa nhận không thể ngay lập tức giảm sự phụ thuộc vào khoáng sản từ Nga, đặc biệt là ở những quốc gia có mức giá cao. Vì vậy, cần tìm kiếm nguồn cung thay thế cả trong ngắn hạn và có các chiến lược dài hạn.

Ông nói thêm: “Chúng ta cần tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới, hỗ trợ các công nghệ khác để thoát khỏi sự phụ thuộc vào khoáng sản của Nga về lâu dài”.

Cùng ngày, Anh đã tuyên bố đến cuối năm nay sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thông báo cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Phát biểu với các nghị sĩ Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vốn bị tạm ngừng do cuộc xung đột Nga-Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố dự án năng lượng địa chính trị nói trên của Nga “đã chết”.

Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, cùng ngày, tập đoàn British Petroleum (BP) của Anh và Shell của Hà Lan thông báo sẽ không ký các hợp đồng mới để mua dầu mỏ và khí đốt Nga. Tuy nhiên, để ngỏ khả năng từ bỏ chính sách này nếu có mối đe dọa đối với an ninh nguồn cung năng lượng cho người tiêu dùng.

Trước đó, Shell cho biết họ không thể từ bỏ hoàn toàn việc mua dầu mỏ của Nga, song hứa sẽ chuyển lợi nhuận từ dầu mỏ từ Nga để giúp đỡ người dân Ukraine.

TotalEnergies SE cũng thông báo chấm dứt việc mua dầu của Nga, đồng thời lưu ý rằng một trong những nhà máy lọc dầu của công ty ở Đức vẫn tiếp tục nhận dầu thô của Nga, do không có giải pháp thay thế. Hiện tại công ty sẽ tiếp tục mua khí đốt của Nga vì người tiêu dùng vẫn rất phụ thuộc vào nguồn cung này.

Rất nhiều doanh nghiệp dầu khí đã thông báo sẽ ngừng hoạt động ở Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong lĩnh vực năng lượng, còn có ExxonMobil, OMV và các công ty khác. Cụ thể, BP đã thông báo bán cổ phần của mình tại tập đoàn Rosneft của Nga.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Rome, Chính phủ Italy đang xem xét việc áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu nguyên liệu thô để các ngành công nghiệp của nước này có thể tiếp tục hoạt động bình thường khi đối mặt với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tuyên bố Bộ Công nghiệp Italy cho biết bộ đang "đánh giá khả năng áp dụng các hạn chế như áp thuế và yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với một số nguyên liệu thô" như sắt, đồng, đất sét, niken và các loại nông sản.

Ngày 8/3, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev về hợp tác năng lượng.

Thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Italy cho biết các nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình trên thực địa ở Ukraine và mục tiêu tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Italy hiện nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan thông qua Đường ống Trans Adriatic./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục